Các thành viên người Serbia tuyên bố rút khỏi chính quyền Kosovo

Các thành viên người Serbia trong chính quyền Kosovo ngày 27/3 đã thông báo rút khỏi chính quyền này nhằm phản đối vụ bắt giữ và trục xuất một quan chức cấp cao của Serbia.
Các thành viên người Serbia tuyên bố rút khỏi chính quyền Kosovo ảnh 1Ông Marko Djuric - người đứng đầu phái đoàn đàm phán của Chính phủ Serbia với Kosovo. (Nguồn: balkaninsight.com)

Các thành viên người Serbia trong chính quyền Kosovo ngày 27/3 đã thông báo rút khỏi chính quyền này nhằm phản đối vụ bắt giữ và trục xuất một quan chức cấp cao của Serbia.

Sự căng thẳng gia tăng sau khi ông Marko Djuric - người đứng đầu phái đoàn đàm phán của Chính phủ Serbia với Kosovo, bị bắt ngày 26/3 khi ông này tới Kosovo, địa phương đã đơn phương tuyên bố độc lập và tách khỏi Serbia từ năm 2008, để tham dự một cuộc họp tại thị trấn Mitrovica bất chấp lệnh cấm.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã lên án việc bắt giữ ông Djuric là một vụ bắt cóc trong bối cảnh cả hai bên đang cố gắng thiết lập đối thoại.

Trong khi đó, chính quyền Kosovo cho rằng việc bắt giữ được đưa ra bởi ông Marko Djuric không được phép đi vào khu vực đó.

[Kosovo: Một chính trị gia hàng đầu người Serbia bị bắn chết]

Đã xảy ra một số vụ xô xát ở Mitrovica sau khi ông Djuric bị bắt giữ, khiến 32 người bị thương, trong đó có 8 người bị thương nặng.

Tối 27/3, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đã có chuyến thăm không báo trước đến Belgrade và có cuộc thảo luận về vụ việc này với Tổng thống Vucic.

Bà cho biết lấy làm tiếc về sự việc và hy vọng không được phép lặp lại. Phát biểu sau cuộc họp, bà Mogherini cho biết hai bên đồng ý sẽ cùng tìm kiếm cách thức giải quyết hòa bình những mâu thuẫn giữa Serbia và Kosovo.

Đến nay, hơn 110 quốc gia, trong đó có cả Mỹ và hầu hết các nước EU đã công nhận nền độc lập của Kosovo, nhưng Serbia vẫn coi nơi đây là một tỉnh phía Nam của nước này.

Bản thân cộng đồng người Serbia ở Kosovo vẫn coi ông Vucic là lãnh đạo của họ và không công nhận nền độc lập của Kosovo.

Cho đến nay, EU vẫn đưa ra yêu cầu bình thường hóa quan hệ giữa Serbia và Kosovo là điều kiện để Serbia có thể gia nhập khối này, trong khi chính quyền Kosovo hy vọng sẽ có quy định về tự do thị thực cho người dân của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục