Các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm mạnh

Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm trong phiên 3/6, trong đó thị trường Nhật Bản giảm 3,72%, xuống mức thấp nhất trong 6 tuần.
Các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 3/6, trong đó thị trường Nhật Bản giảm 3,72%, xuống mức thấp nhất trong sáu tuần, sau khi Trung Quốc công bố số liệu chế tạo đáng thất vọng và phố Wall bất ngờ sụt giảm mạnh vào cuối tuần trước, còn hành động chính sách tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa rõ ràng.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,2%, chạm mức thấp nhất trong gần 7 tuần và là phiên giảm thứ 4 liên tiếp. Chỉ số này giảm 4,7% trong tháng Năm, tháng yếu kém nhất trong một năm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 512,72 điểm, hay 3,72%, xuống 13.261,82 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Australia giảm 38,3 điểm, hay 0,78%, xuống 4.888,3 điểm.

Chỉ số weighted của Đài Loan giảm 53,78 điểm, hay 0,65%, xuống 8.201,02 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 11,48 điểm, hay 0,57%, xuống 1.989,57 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 109,97 điểm, hay 0,49%, xuống 22.282,9 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 1,34 điểm, hay 0,06%, xuống 2.299,25 điểm.

Vẫn đang trong quá trình điều chỉnh sau khi bật lên gần đây, thị trường Nhật Bản tiếp tục trải qua một phiên giao dịch biến động, sau khi giảm hơn 5% trong tuần trước, mà một yếu tố có tác động chính là sự lao dốc của phố Uôn cuối tuần trước. Một số nhà phân tích dự đoán về sự điều chỉnh mạnh của chỉ số Nikkei 225, sau khi chỉ số này tăng khoảng 80% trong sáu tháng qua, lên trên mức 15.000 điểm.

Các thị trường sụt giảm sau khi số liệu của HSBC cho thấy lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc giảm xuống mức thấp tám tháng trong tháng Năm. Theo ngân hàng này, chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc giảm từ 50,4 trong tháng Tư xuống xuống 49,2 trong tháng Năm, còn thấp hơn so với ước tính sơ bộ 49,6 công bố trước đó. Số liệu này là trái ngược với những con số từ Chính phủ Trung Quốc mà theo đó PMI tháng 5 tăng lên 50,8, so với 50,6 trong tháng Tư. Các số liệu mới công bố là bằng chứng cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể mất động lực trong quý II này.

Sự chú ý cũng đang được chuyển sang cuộc họp bàn chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tuần này. Tại một hội nghị tài chính ở Thượng Hải diễn ra ngày 3/6, Chủ tịch ECB Mario Draghi nhận định Khu vực sử dụng đồng euro sẽ bắt đầu phục hồi rất chậm trong nửa cuối năm nay, dù yếu tố bất ổn vẫn còn. Ngân hàng này sẽ cập nhật các dự báo về tăng trưởng và lạm phát tại cuộc họp bàn về các lựa chọn nhằm kích thích nền kinh tế khu vực đang suy thoái, sau quyết định hạ lãi suất gần đây.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi thêm các số liệu mà Mỹ sẽ công bố trong tuần này để có thể phán đoán về tình hình của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ sẽ công bố số liệu về chỉ số quản lý nguồn cung trong lĩnh vực chế tạo trong ngày 3/6 và nếu báo cáo này tốt hơn dự kiến thì sẽ gây lo ngại về khả năng FED sớm rút chương trình kích thích kinh tế, và số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, căn cứ quan trọng hơn để đánh giá về tình hình kinh tế Mỹ, sẽ được công bố vào ngày 7/6. Đồn đoán về khả năng FED sẽ giảm bớt quy mô của chương trình mua trái phiếu bắt đầu được đưa ra sau một loạt số liệu tích cực về kinh tế nước này và trở thành yếu tố gây ra những điều chỉnh trên các thị trường.

Chứng khoán Mỹ cũng sụt giảm mạnh vào cuối tuần trước, với chỉ số Dow Jones mất hơn 200 điểm, mức giảm mạnh nhất trong sáu tuần, khi chi tiêu tiêu dùng giảm, trong lúc lòng tin tiêu dùng tăng./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục