Các tổ chức quốc tế chung tay vì sự phát triển bền vững ĐBSCL

Nhiều tổ chức quốc tế đã cam kết hỗ trợ nhiều mặt trong quá trình triển khai hoạt động dự án đầu tư ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Các tổ chức quốc tế chung tay vì sự phát triển bền vững ĐBSCL ảnh 1Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 27/9, Hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ chính thức khép lại, với sự cam kết hỗ trợ về nhiều mặt của các định chế tài chính và tổ chức quốc tế, cùng các đối tác phát triển song phương trong công tác triển khai hoạt động dự án đầu tư ứng phó biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề Hội nghị, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Thế giới sẽ phối hợp với Ủy ban quốc tế sông Mekong để giúp Việt Nam thực hiện Dự án quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Delta Master Plan) với mục tiêu dựa trên kiến thức hiện có về hiện trạng của đồng bằng để đề ra các giải pháp, chiến lược lâu dài.

Trong vấn đề kinh phí, Ngân hàng Thế giới sẽ tiến hành Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ hỗ trợ phát triển kinh tế mà còn giúp cải thiện chất lượng sống cho cộng đồng dân cư sinh sống quanh khu vực sông Mekong.

Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng đang làm việc với Bộ Xây dựng để tiến hành kế hoạch xây dựng hệ thống cung cấp nước ngọt ổn định cho 7 tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ; đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông để vận động đầu tư phát triển thủy vận và logistics cho toàn vùng, đặc biệt khi Đồng bằng sông Cửu Long vốn có thế mạnh về hệ thống sông ngòi nối liền các địa phương và một số quốc gia trong khu vực.

Ông Dione tin rằng sự kết hợp trong phát triển hạ tầng, cải thiện cuộc sống và ứng phó thiên tai sẽ là giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững kinh tế-xã hội và đổi mới quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Ông Dione cũng khẳng định, mối quan hệ giữa Ngân hàng thế giới và Việt Nam là mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài, được xây dựng dựa trên sự tin tưởng; do đó, các kế hoạch và dự án hỗ trợ hợp tác do Ngân hàng Thế giới tổ chức sẽ được tiến hành mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện gì từ phía Việt Nam.

Điều cần quan tâm là tính hiệu quả trong công tác phối hợp giữa hai bên để tạo ra những kết quả tích cực, mang lại một tương lai tươi sáng cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh, UNDP sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam trong mục tiêu cải thiện sức chống chịu của cộng đồng dân cư khu vực sông Mekong trước biến đổi khí hậu thông qua công tác hỗ trợ huy động vốn ODA và vốn thành phần tư nhân. Đồng thời, tiến tới hiểu được rủi ro để đưa chiến lược vào xây dựng chính sách, chia sẻ thông tin, xây dựng mô hình thích ứng và chống chọi với thiên tai; thực hiện tiếp cận xanh, chống khai thác nguồn nước ngầm mạnh mẽ để chống lại xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, UNDP cũng đề xuất Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập quỹ Khí hậu xanh ứng phó biến đổi khí hậu vùng ven biển từ doanh nghiệp và các thành viên Chính phủ.

Các tổ chức quốc tế chung tay vì sự phát triển bền vững ĐBSCL ảnh 2 Đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ông Christian Berger, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Đức đặt mục tiêu hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long và các tiểu vùng sông Mekong tăng cường xây dựng bản đồ phòng chống sạt lở hiệu quả.

[Cơ hội và giải pháp chuyển mô hình phát triển bền vững cho ĐBSCL]

Trong thời gian tới, Chính phủ Đức sẽ hợp tác với Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam để thực hiện mục tiêu này. Ngoài ra, các đối tác cũng chủ động tham khảo ý kiến của Chính phủ Nhật Bản trong việc xây dựng các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Craig Chittick, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam chia sẻ, Australia sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong công tác hỗ trợ và đầu tư để tìm giải pháp cho những thách thức mà Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt.

Trong 25 năm qua, Australia đã đầu tư 213 triệu USD và tiến hành chuyển giao nhiều công nghệ cụ thể cho Việt Nam, cùng nhiều chính sách viện trợ xây dựng hạ tầng, bảo vệ nguồn nước, an ninh năng lượng và chuyển giao kỹ thuật cho những sáng tạo mới.

Cuối năm 2017, Australia sẽ tiếp tục thực hiện Dự án Đối tác hữu nghị để xây dựng cầu Cao Lãnh tại Đồng Tháp, tạo cầu nối giao thương giữa An Giang-Đồng Tháp và các tỉnh lân cận vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực này.

Ngoài ra, Australia cũng đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và nông trại tại khu vực Tây Nam Bộ tập trung đầu tư lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Năm 2015, tập đoàn Sunrice của Australia đã tiến hành nhập khẩu gạo Việt Nam, đẩy mạnh đầu tư công nghệ vào Việt Nam giúp nâng cao chất lượng hạt gạo phục vụ cho xuất khẩu.

Quan hệ liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp Việt và Australia cũng góp phần giải quyết 2500 lao động tại Việt Nam trong dự án sản xuất tôm công nghệ cao.

Thời gian tới, Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển giao phương pháp sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm ở khu vực nông thôn; quản lý và sử dụng hiệu quả nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đưa ra giải pháp sử dụng nước bền vững, nếu thành công sẽ nhân rộng ra các tiểu vùng khác ở châu Á và đề nghị Ủy ban Mekong giúp quản lý nguồn nước hợp lý nơi thượng nguồn.

Australia cũng sẽ hợp tác với Đại học Cần Thơ chia sẻ kiến thức tầm thế giới về các lĩnh vực: nông nghiệp, khoa học, công nghệ, giúp nông dân thích nghi với sự thay đổi do xói mòn, xâm nhập mặn, sụt lún và thiếu hụt nguồn nước, đồng thời, hỗ trợ thiết lập các đối tác công tư, khởi xướng chương trình hỗ trợ kỹ thuật; đưa nông sản Đồng bằng sông Cửu Long tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp toàn cầu và đáp ứng tiêu chuẩn dinh dưỡng khắc khe của thị trường quốc tế.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Ngân hàng phát triển châu Á (ADP) tại Việt Nam cho biết, ADP cũng đã đưa Việt Nam vào Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn năm 2016-2030 cùng một số nền kinh tế với tổng kinh phí hỗ trợ lên đến 20 tỷ USD; trong đó, ưu tiên các khoản hỗ trợ kinh phí liên quan đến sáng tạo khoa học công nghệ vì đây là chất xúc tác để phát huy các doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, ADP cũng sẽ tiến hành thực hiện tại Việt Nam Dự án Phát triển đô thị dọc hành lang Tiểu vùng sông Mekong (GMS) trong 6 lĩnh vực, trong đó, hạ tầng giao thông là lĩnh vực trọng tâm được đầu tư./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục