Cơ hội và giải pháp chuyển mô hình phát triển bền vững cho ĐBSCL

Việt Nam cần thiết phải có một định hướng tổng thể cho sự chuyển đổi trong phát triển kinh tế-xã hội và các giải pháp toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ĐBSCL trước thách thức, tác động.
Cơ hội và giải pháp chuyển mô hình phát triển bền vững cho ĐBSCL ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ với các đại biểu tham dự phiên toàn thể. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, ngày 26/9, Hội nghị chuyên đề Tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho Đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra tại Cần Thơ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tại hội nghị này, các đại biểu đã nhận thức sâu sắc hậu quả biến đổi khí hậu, thiên tai trong hiện tại và tương lai, đồng thời nhận thấy những yếu kém trong quản lý còn rất lớn. Nếu không khắc phục sớm sẽ khó giải quyết các vấn đề như giám sát việc dùng nước mặn để nuôi tôm, rừng bị tác động nghiêm trọng. Đây là vấn đề rất khó cần có cách tiếp cận liên ngành, liên tỉnh, liên vùng và để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp phù hợp của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân...

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, quan điểm tiếp cận cần gắn giảm thiểu với thích ứng, quản lý và bảo vệ, quản lý tổng hợp tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học. Việt Nam cần có hệ thống giải pháp công trình và phi công trình cũng như các giải pháp kết hợp cả hai giải pháp công trình và phi công trình... Ví dụ như giải pháp trữ nước ngọt để dùng quanh năm như cách làm của nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước đây...

Về nguồn lực, Việt Nam cần huy động đầu tư công, vốn trong nước và tính đến bài toán thị trường. Vấn đề thông tin và cập nhật thông tin là rất quan trọng, cần có sự thống nhất và đồng thuận trong công tác truyền thông đến tất cả các đối tượng liên quan, cộng đồng xã hội; tiềm năng và năng lượng tái tạo trong vùng là rất lớn nhưng cũng cần thời gian, lộ trình triển khai thực hiện và cần gắn liền giữa lợi ích và chi phí.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thách thức lớn nhất của biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nguồn tài nguyên nước và quản lý khai thác nguồn nước. Hội nghị sẽ đưa ra các kiến nghị cần thiết, đó chính là cơ sở quan trọng, làm tiền đề cho việc chuyển đổi các mô hình phát triển, mô hình liên quan đến tiếp cận và khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên; đồng thời đưa ra chính sách từ quan điểm, chủ trương chiến lược cho đến nhiệm vụ, các cơ chế để làm tốt hơn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Các ý kiến từ hội nghị này sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng kết và báo cáo tại Hội nghị toàn thể do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào ngày 27/9. Trên cơ sở đó, báo cáo sẽ góp phần xác định mục tiêu lâu dài đó là chuyển đổi Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững và lâu dài.

[Thủ tướng thị sát khu vực bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu tại ​ĐBSCL]

Tiến sỹ Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, biến đổi khí hậu và thiên tai đang diễn ra ngày càng nhiều, diễn biến nhanh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, tình hình ngập lụt ở đồng bằng, đô thị; tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông và xói lở bờ biển, suy thoái hệ sinh thái, nâng hạ địa chất, sụt lún... là những khó khăn, thách thức rất, ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững và sinh kế của người ở các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, Việt Nam cần thiết phải có một định hướng tổng thể cho sự chuyển đổi trong phát triển kinh tế-xã hội và các giải pháp toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước các thách thức và các tác động.

Theo Cục trưởng Cục Tài nguyên nước, chuyển đổi phải là kế hoạch dài hạn và ở quy mô lớn về không gian cũng như đối tượng cần chuyển đổi. Để có thể phát triển bền vững, cần thiết phải sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên (đất, nước, con người, khí hậu) phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn sinh thái.

Liên kết vùng đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của chuyển đổi. Liên kết vùng cần thực hiện liên kết các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các vùng miền khác trong cả nước. Liên kết vùng về kinh tế, tạo ra chuỗi giá trị cung cầu, liên kết vùng về xã hội nhằm đảm bảo sự phù hợp với xu hướng chung của xã hội, dựa trên cơ sở sự đặc thù và đa dạng về văn hóa, tập quán cộng đồng.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hợp tác quốc tế, doanh nghiệp đã nêu nhiều ý kiến nhằm phân tích, chia sẻ về nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu, thực trạng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động đến đời sống sản xuất của người dân, thách thức về nguồn nước và an ninh năng lượng.

Các đại biểu thảo luận việc đẩy mạnh đầu tư ứng dụng năng lượng sạch hay tăng cường sử dụng năng lượng than như hiện nay. Đại diện các bộ, ban, ngành đã giới thiệu các chương trình, dự án điện, nước sạch, dự án ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ cho các địa phương và những chương trình sử dụng năng lượng sạch được triển khai thí điểm tại các địa phương.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục