Thủ tướng thị sát khu vực bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu tại ​ĐBSCL

Chiều 26/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đi thị sát bằng trực thăng các khu vực bị ảnh hưởng và tác động bởi biến đổi khí hậu thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng thị sát khu vực bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu tại ​ĐBSCL ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát các khu vực bị ảnh hưởng và tác động bởi biến đổi khí hậu thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Để chuẩn bị cho buổi chủ trì Phiên thảo luận toàn thể tại Hội nghị Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu với tầm nhìn tới năm 2100 ngày 27/9 tại Cần Thơ, chiều 26/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đi thị sát bằng trực thăng các khu vực bị ảnh hưởng và tác động bởi biến đổi khí hậu thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng đi có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương liên quan.

Với ý tưởng chuẩn bị cho hội nghị quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng này, tháng 7/2017, trong chuyến thăm chính thức Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát bằng trực thăng tuyến đê biển và các công trình trị thủy nổi tiếng thế giới của Hà Lan, tận mắt chứng kiến quy hoạch đồng bằng của Hà Lan trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

[Bờ biển Kiên Giang sạt lở, 600ha đất rừng phòng hộ biến mất]

Ngay sau chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, nơi sinh sống của khoảng 18 triệu người dân Việt Nam. Vùng đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và 70% sản lượng trái cây cả nước.

Do tính đặc thù của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, là một phần của lưu vực hạ lưu sông sông Mekong và lại nằm phía cuối nguồn, việc đưa ra bất kỳ quy hoạch nào cho phát triển kinh tế-xã hội của vùng đều phải được đặt trong không gian phát triển tổng thể của cả lưu vực sông.

Được coi là “Hội nghị Diên Hồng” đối với tương lai của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hàng loạt những mục tiêu được đặt ra tại hội nghị quy mô lớn này là phải đưa ra được quyết sách mới, có tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển, định hướng ưu tiên, quy hoạch phân vùng lãnh thổ, đề xuất được các cơ chế chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các bên.

Đặc biệt, những phương án, giải pháp phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động, có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long ổn định, phát triển. Cùng với đó là thu hút được tối đa các nguồn lực (vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn tín dụng, nguồn vốn tư nhân…) nhằm phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.

Trong ngày 26/9, Hội nghị đã diễn ra ba phiên thảo luận chuyên đề bàn sâu về các vấn đề như: Tổng quan, thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho Đồng bằng Sông Cửu Long do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì; Quy hoạch tổng thể phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, huy động điều phối nguồn lực cho phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì; Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sát lở.

Ngày mai 27/9, Phiên họp toàn thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Hội nghị được kỳ vọng sẽ đưa ra một mô hình cho phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, con người và văn hóa trên cơ sở kết hợp khoa học công nghệ cao với kế thừa tri thức bản địa, biến thách thức thành cơ hội, vì tương lai tốt đẹp hơn cho người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục