Ngày 12/10, các tổ chức xã hội Cuba đã lên tiếng kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế, thương mại, tài chính vốn áp dụng hơn nửa thế kỷ qua đối với đảo quốc Caribe này.
Đại diện từ các cộng đồng tôn giáo, liên hiệp thương mại, tổ chức sinh viên, khoa học và học thuật tham dự một sự kiện tại Viện Quan hệ quốc tế cao cấp ở La Habana đã ra tuyên bố phản đối chính sách cấm vận phi lý của Mỹ. Tuyên bố nhấn mạnh các biện pháp cấm vận đã khiến nền kinh tế Cuba thiệt hại khoảng 125 tỷ USD.
Các tổ chức cũng phản đối chính sách "thay đổi thể chế" của Washington đối với đảo quốc này, nhấn mạnh bình thường hóa quan hệ bao gồm việc tôn trọng chủ quyền của quốc gia. Các cộng đồng cũng kêu gọi các tổ chức xã hội khác, đặc biệt là của người dân Mỹ, cùng tham gia phản đối chính sách bao vây cấm vận Cuba của Mỹ.
Lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt hơn nửa thế kỷ qua là vật cản chính đối với sự phát triển kinh tế của Cuba. Kể từ sau tuyên bố lịch sử khôi phục quan hệ ngoại giao tháng 12/2014, quan hệ giữa Mỹ và Cuba đã ghi nhận những bước cải thiện đáng kể.
Cho tới nay Tổng thống Mỹ Barack Obama đã 2 lần sử dụng quyền hạn của mình để nới lỏng lệnh cấm vận cho Cuba, trong đó bao gồm giảm nhẹ hạn chế đi lại cho công dân Mỹ tới Cuba, cho phép các công ty viễn thông Mỹ được hoạt động tại Cuba cũng như nhập khẩu hàng hóa từ thành phần kinh tế tư nhân của đảo quốc Caribe này.
Tuy nhiên, quá trình bình thường hóa quan hệ hiện tại vẫn còn nhiều thách thức, với các điều kiện tiên quyết mà Cuba đưa ra là xóa bỏ lệnh cấm vận phi lý mà Mỹ áp đặt lên đảo quốc này hơn nửa thế kỷ qua, trả lại phần lãnh thổ Cuba bị Mỹ chiếm đóng làm căn cứ hải quân tại Vịnh Guantanamo, chấm dứt việc phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình chống phá cách mạng vào lãnh thổ Cuba và các âm mưu gây bất ổn tại Hòn đảo Tự do này./.