Trước tình trạng nhiều trường đại học dùng tổ hợp môn không gắn với chuyên ngành đào tạo để tuyển sinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, các trường sẽ phải giải trình được tính liên quan, tính hợp lý, tính cần thiết của tổ hợp đó đối với ngành đào tạo.
Tuyển sinh kiểu "vơ bèo vạt tép"?
Thực hiện quy định tại Điều 34 của Luật Giáo dục Đại học: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”, đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh đại học năm 2018. Điều đáng chú ý là khá nhiều trường có những tổ hợp xét tuyển bất thường.
Đại học Hùng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh) tuyển sinh cho 16 ngành đào tạo thì có đến 12 ngành có tổ hợp xét tuyển môn Địa lý, trong đó có nhiều ngành không liên quan đến kiến thức môn học này như Kế toán, Công nghệ kỹ thuật ôtô, Công nghệ chế tạo máy….
Đặc biệt, hai ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng tuyển sinh cả tổ hợp khối C, gồm các môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý.
Trường Đại học Nam Cần Thơ, các ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh xét tuyển tổ hợp có môn Giáo dục công dân.
[Đại học Hồng Đức đào tạo theo 'đơn đặt hàng' của tỉnh Thanh Hóa]
Thông báo tuyển sinh của trường Đại học Bình Dương (tỉnh Bình Dương) xét tuyển tổ hợp Toán, Lý, Hóa cho ngành… Văn học. Trường cũng xét tuyển tổ hợp môn Văn -Sử-Địa lý cho các ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng.
Việc các trường tuyển sinh những tổ hợp môn không gắn với chương trình đào tạo khiến dư luận lo ngại về tình trạng "vơ bèo vạt tép" thí sinh, không đảm bảo chất lượng đào tạo. Đặc biệt, từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, các trường được tự quyết mức điểm tuyển sinh. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng các trường có thể bỏ chất lượng để chạy theo số lượng, nhằm tuyển đủ chỉ tiêu, nhất là các trường ngoài công lập.
Trường phải có trách nhiệm giải trình
Trả lời báo chí trước tình trạng bất thường trên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, các trường được đảm bảo quyền tự chủ. Tuy nhiên, trường phải có trách nhiệm giải trình về việc các bài thi, môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển có gắn với yêu cầu của ngành đào tạo hay không và quy trình xác định tổ hợp tuyển sinh như thế nào?
"Thông thường, ít nhất phải có một hoặc hai môn thi trong tổ hợp được coi như là môn kiến thức nền tảng, môn tiên quyết để có thể vào học chương trình đào tạo. Nhà trường phải giải trình được tính liên quan, tính hợp lý, tính cần thiết của tổ hợp đó đối với ngành đào tạo,” bà Phụng nói.
Cũng theo bà Phụng, nếu trường xác định những tổ hợp môn thi không liên quan thì trường sẽ bị bất lợi nhiều hơn. Lý do là xã hội sẽ nghi ngờ và đánh giá thấp chất lượng đào tạo, uy tín trường giảm và thí sinh tốt sẽ không lựa chọn. Trường sẽ chỉ chọn được những thí sinh kém, không có tinh thần thực học thực nghiệp, học chỉ để kiếm bằng...
"Nếu có thí sinh chưa suy nghĩ chín chắn, vào trường không phải bằng kiến thức nền tảng vững chắc thì cũng khó tiếp thu kiến thức, không hứng thú trong khi học. Sau này, nếu có tốt nghiệp, các em cũng khó xin việc làm... Và như vậy, trường lại tiếp tục không thu hút được sinh viên giỏi, giảng viên giỏi... Nếu điều đó cứ tiếp diễn thì đó sẽ là quá trình 'tự sát' vì trong điều kiện thông tin minh bạch như hiện nay, khó có thể vàng thau lẫn lộn”, bà Phụng nói.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình. "Nếu thấy những tổ hợp quá bất thường, chúng tôi sẽ trao đổi, yêu cầu nhà trường giải trình những nội dung trên. Nếu không có căn cứ thuyết phục, chúng tôi có thể lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực này để trước hết, kiểm tra, thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, việc đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp... Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo. Nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí có thể dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung,” bà Phụng khẳng định.
Về vấn đề ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, bà Phụng cho biết Bộ Giáo dục Đào tạo có thể lập danh sách điểm sàn của các trường như một cách đơn giản xếp hạng chính sách chất lượng đầu vào của trường. Điều này nhằm công khai, minh bạch thông tin cho thí sinh có sự lựa chọn phù hợp và để các trường phải giữ uy tín, xây dựng “thương hiệu” cho mình.
"Tuy nhiên, tôi vẫn tin đa số các trường sẽ không đánh mất mình chỉ vì muốn nhận số thí sinh có điểm thi quá thấp," bà Phụng nói./.