Cách ngăn chặn một cuộc đối đầu toàn diện Mỹ-Trung

Bằng cách củng cố hợp tác kinh tế, công nghệ với châu Âu, Nhật Bản và các nước phát triển, Trung Quốc có thể giảm thiểu sự phụ thuộc vào Mỹ để phát triển cấu trúc quan hệ kinh tế đối ngoại cân bằng.
Cách ngăn chặn một cuộc đối đầu toàn diện Mỹ-Trung ảnh 1Quốc kỳ Trung Quốc (giữa) và quốc kỳ Mỹ. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Theo trang mạng Chinausfocus.com, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bộc lộ những dấu hiệu cho thấy căng thẳng đã suy giảm kể từ đầu tháng 9/2019 với việc hai bên tuyên bố hoãn đánh thuế vào một số loại mặt hàng, đồng thời thể hiện những bước đi chuẩn bị ban đầu cho vòng đàm phán thương mại cấp cao lần thứ 13 diễn ra vào tháng 10 dù không đạt được tiến triển tích cực nào trong các lĩnh vực trọng yếu như công nghệ cao và sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó, những quan ngại vẫn hiện hữu về nguy cơ cuộc chiến thương mại có thể leo thang thành một cuộc đối đầu toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong bối cảnh tình hình địa chính trị ở Đài Loan, Hong Kong và Biển Đông ngày càng xấu đi.

Những mối quan ngại này đã được đúc kết trong hai câu hỏi: Liệu có thể tránh được một cuộc đối đầu hay không? Và nếu có thì bằng cách nào?

Cần có niềm tin rằng có thể tránh được một cuộc đối đầu toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc cần "quẳng ảo tưởng đi và sẵn sàng chiến đấu," họ lập luận rằng một cuộc chiến tranh lạnh mới đã xảy ra khi Mỹ công khai coi Trung Quốc là một "nước theo chủ nghĩa xét lại" và là một đối thủ chiến lược được đề cập trong các tài liệu chính thức của Washington, trong đó có chiến lược an ninh quốc gia.

Theo những nhà phân tích này, các đòn trừng phạt kinh tế đơn phương kèm theo những sức ép chính trị mà Washington áp đặt đối với Trung Quốc tạo nên một loại hình chiến tranh mới.

Mặc dù việc Mỹ có cái nhìn tiêu cực đối với Trung Quốc là điều không thể bàn cãi, song điều đó không có nghĩa là mối quan hệ Mỹ-Trung nhất thiết biến thành một cuộc chiến tranh lạnh bởi những lý do sau:

[Trung Quốc công bố kế hoạch vòng đám phán thương mại tiếp theo với Mỹ]

Trước hết, tình hình chính trị trong lòng nước Mỹ không thuận lợi. Sau 40 năm trao đổi thương mại, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới phụ thuộc nhiều lẫn nhau.

Các tập đoàn xuyên biên giới có trụ sở ở Washington đã trở thành một cổ đông "béo bở" trong mối quan hệ Mỹ-Trung và người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi lớn từ hàng hóa Trung Quốc giá rẻ.

Kích động một cuộc chiến tranh lạnh với Bắc Kinh đòi hỏi phải có sự đồng thuận lớn của người dân Mỹ rằng Trung Quốc là một kẻ thù không đội trời chung và rằng cần tách các hoạt động kinh tế và thương mại ra khỏi Trung Quốc bằng mọi giá, trường hợp đã từng xảy ra đối với Liên Xô.

Thế nhưng, ở thời điểm này, không có bằng chứng nào cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh đó, cũng như không có dấu hiệu nào cho thấy xã hội Mỹ nói chung muốn biến Trung Quốc thành "kẻ thù".

Thứ hai, tình hình quốc tế không ở thời điểm thích hợp cho sự tồn tại của một lối tư duy về một cuộc chiến tranh lạnh.

Trong Chiến tranh Lạnh trước đây, Mỹ đã lập nên một tổ chức mang tên Ủy ban hợp tác về Quản lý Xuất khẩu Đa phương (COCOM) để áp đặt cấm vận toàn diện đối với các nước có mối quan hệ công nghệ và kinh tế với Liên Xô.

Cơ chế đa phương này đã thành công vì phần lớn các nền kinh tế phương Tây đều nhất trí cho rằng họ cần "hợp sức hợp lực" với Mỹ để chống lại một kẻ thù không đội trời chung.

Một lý do khác là các nước phương Tây này cảm thấy "tâm đầu ý hợp" khi cơ chế hợp tác này không bao gồm nước theo chủ nghĩa cộng sản nào, trong bối cảnh Mỹ nắm vai trò thống trị hệ thống kinh tế toàn cầu.

Còn ở thời điểm này, phương Tây chưa thể tạo nên một khối đồng thuận cho rằng việc gây căng thẳng với Trung Quốc là cần thiết.

Một ví dụ điển hình là vụ Huawei. Khi Mỹ kêu gọi các nước đồng lòng "đánh đòn" Trung Quốc bằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào "huyết mạch công nghệ" Huawei của Trung Quốc thì số nước châu Âu đáp lại lời kêu gọi của Washington chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi nhiều nước phương Tây khác vẫn có thái độ do dự.

Mặc dù các điều kiện hiện tại đều là "kỳ đà cản đường" viễn cảnh xung đột toàn diện, nhưng Trung Quốc không nên "bình chân như vại" vì không ai có thể loại bỏ khả năng mọi việc có thể biến chuyển theo chiều hướng tiêu cực.

Cái gọi là học thuyết "bẫy Thucydides" đã phóng đại quá mức sự bất bình của một cường quốc đang trỗi dậy với trật tự quốc tế hiện nay, cũng như ý chí của nó trong nỗ lực thách thức sức mạnh của cường quốc đã tồn tại từ lâu.

Thực ra, một cường quốc đang trỗi dậy thường kiềm chế thách thức cường quốc đã định hình vì nước đang trỗi dậy quan tâm nhiều hơn đến nỗ lực tự bảo vệ mình.

Ngược lại, một cường quốc bá quyền thế giới, lo sợ bị "soán ngôi," lại thường tỏ ra cứng rắn với đối địch và thường có xu hướng thực hiện những hành động nhằm ngăn chặn đối thủ phát triển mạnh mẽ hơn.

Đối với Trung Quốc, điều quan trọng hơn cả là không cần phải "khoác chiếc áo bào" phủ lên "bộ dạng" tiêu cực trong mắt Mỹ, mà là cần sự thay đổi ở môi trường trong nước và quốc tế, nơi Bắc Kinh lo sợ có thể dẫn đến một cuộc xung đột toàn diện giữa hai nước.

Theo đó, trước hết, Bắc Kinh cần giữ cam kết với chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa. Trong xã hội Trung Quốc hiện nay đã xuất hiện những ý kiến ủng hộ cuộc đối đầu toàn diện như một phương thức để giải quyết mọi bất đồng với Mỹ.

Vì vậy, cần ngăn chặn những ý tưởng như vậy phát triển thành dòng tư tưởng chủ đạo trong xã hội.

Cuộc chiến thương mại hiện nay là phép thử khả năng của Bắc Kinh trong việc thích ứng với những thay đổi và sự tiến bộ diễn ra trong quá trình toàn cầu hóa.

Những khó khăn có thể nảy sinh đối với Trung Quốc trong quá trình phát triển của họ, song điều đó sẽ không phải là kết quả cuối cùng.

Trung Quốc có thể thực hiện chính sách thực dụng, theo đó, nước này có thể chống lại những điều cần phải chống lại, cải cách những gì cần phải cải cách và tham gia các cuộc đàm phán khi đàm phán là cần thiết.

Miễn là Trung Quốc không đáp trả theo cách "ăn miếng trả miếng" đối với bất kỳ động thái gây hấn nào của Mỹ theo kiểu Chiến tranh Lạnh, sẽ không có bất kỳ cuộc đối đầu toàn diện nào.

Đây không phải là chính sách nhượng bộ mà là một chính sách kiên nhẫn và tự tin chiến lược.

Thứ hai, Trung Quốc cần mở rộng hợp tác kinh tế với các nước khác và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế của châu Á.

Theo cách này, Bắc Kinh có thể ngăn chặn nguy cơ môi trường quốc tế biến thành một điều kiện thuận lợi làm nảy sinh một cuộc đối đầu toàn diện với Washington.

Bằng cách củng cố hợp tác kinh tế và công nghệ với châu Âu, Nhật Bản và các nước phát triển khác, Trung Quốc có thể giảm thiểu sự phụ thuộc của mình vào Mỹ đồng thời phát triển một cấu trúc quan hệ kinh tế đối ngoại cân bằng hơn.

Ngoài ra, điều này sẽ tạo ra cảm giác về sự cấp thiết đối với Mỹ nếu Washington cho rằng họ có thể đánh mất thị phần Trung Quốc khổng lồ.

Ở chiều ngược lại, điều này có thể tạo ra một số thay đổi trong các cuộc thảo luận ở Mỹ cho câu hỏi "có thể tận dụng được gì ở Trung Quốc?"

Mặc dù đã đạt được những tiến triển trong quá trình hội nhập kinh tế châu Á, song khu vực này vẫn còn tiềm năng to lớn để được khai thác.

Ví dụ, ba nền kinh tế lớn ở Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, chưa đi đến ký kết thỏa thuận thương mại tự do giữa 3 bên vốn đã trải qua nhiều kỳ cuộc đàm phán lâu nay.

Vì vậy, miễn là Trung Quốc kiên trì theo đuổi con đường thương mại tự do, xét trong bối cảnh nước này đang hưởng lợi lớn từ những lợi thế so sánh, các nước châu Âu và châu Á sẽ có thể phản ứng tiêu cực trước lời kêu gọi của Mỹ áp đặt cơ chế đa phương kiểu COCOM nhằm cô lập Bắc Kinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục