Không gian sáng tạo 'Đoài Creative' trong lòng Làng cổ Đường Lâm

Cải tạo khu nhà cũ thành không gian sáng tạo ở Làng cổ Đường Lâm

Trong những ngày đầu ra mắt không gian sáng tạo, du khách đến với Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) sẽ được tham quan, trải nghiệm để hiểu hơn về các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo nơi đây.
Cải tạo khu nhà cũ thành không gian sáng tạo ở Làng cổ Đường Lâm ảnh 1Du khách tham quan các ngôi nhà cổ tại Đường Lâm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày 8/4, không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo Đoài Creative - không gian sáng tạo đầu tiên của Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) chính thức ra mắt tại thôn Mông Phụ-vùng lõi của di sản.

Được cải tạo từ một dãy kiốt 7 gian lợp ngói với diện tích khoảng 100m2, được xây dựng làm nơi bán hàng, chỗ rửa xe nhếch nhác và những ngôi nhà bỏ hoang nhiều năm qua, người dân với sự hỗ trợ của Ban quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm đã cải tạo thành những không gian sáng tạo ý nghĩa nhằm phục vụ trẻ em làng cổ và du khách đến tham quan.

[Đường Lâm - Làng Việt cổ đầu tiên được xếp hạng di tích quốc gia]

Đoài Creative ra đời với kiến trúc được cải tạo mang đậm nét văn hóa truyền thống xứ Đoài, hài hòa với không gian chung của làng cổ.

Cải tạo khu nhà cũ thành không gian sáng tạo ở Làng cổ Đường Lâm ảnh 2Nhiều du khách thích thú khi được khám phá làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhà thiết kế Khuất Văn Thắng, chủ của không gian sáng tạo, đồng thời cũng là một người dân đang sinh sống tại Làng cổ Đường Lâm cho biết, khi thấy dãy kiốt không sử dụng hiệu quả, anh đã thuê lại để tổ chức các hoạt động sáng tạo và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Việc cải tạo dãy nhà dựa trên nền tảng cơ bản vốn có, vẫn giữ kết cấu cũ và chỉ quy hoạch kiến trúc tối thiểu.

Nhà thiết kế đã đưa thêm ý tưởng sáng tạo, khai thác những vật liệu cũ tận dụng được, sử dụng nguyên liệu thân thiện, gần gũi của Đường Lâm và sắp đặt, tổ chức lại cho đúng công năng hoạt động. Bức tường gạch xây trát vữa cũ được đắp lại bằng đất trộn rơm theo phương thức truyền thống của nhà nông thôn vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Đoài Creative là nơi trình diễn nghệ thuật, workshop, phát triển sáng tạo và một số dịch vụ phục vụ du khách khi đến thăm làng cổ. Các hoạt động sáng tạo đều dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của Làng cổ Đường Lâm. Cụ thể, khách được nặn đất và vẽ trên ngói mũi hài (ngói cũ của Đường Lâm). 

Cải tạo khu nhà cũ thành không gian sáng tạo ở Làng cổ Đường Lâm ảnh 3Không gian sáng tạo Đoài Creative (Nguồn: Du lịch xứ Đoài)

Trong những ngày đầu ra mắt không gian sáng tạo, du khách, đặc biệt là các em nhỏ đã được tham gia hai hoạt động trải nghiệm gồm: tìm hiểu về ngói mũi hài và nặn tạo hình, vẽ trên nền ngói cũ; tham quan, trải nghiệm văn hóa Đường Lâm.

Ngoài ra, khách du lịch còn được trải nghiệm không gian làng cổ với các nghề thủ công, ẩm thực truyền thống, chụp ảnh lưu niệm... Trẻ em và khách nước ngoài đều hào hứng khi tham gia trải nghiệm, thậm chí có du khách nước ngoài sau khi hoàn thành sáng tạo vẽ trên ngói đã đề nghị được mang về nước làm kỷ niệm.

Không gian sáng tạo Đoài Creative hoạt động cả tuần nhưng tập trung vào ngày thứ 7 với trung bình 2-3 ca trải nghiệm sáng tạo.

Cải tạo khu nhà cũ thành không gian sáng tạo ở Làng cổ Đường Lâm ảnh 4Khách tham quan tại Làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Huy Khánh/Vietnam+)

Các ngày khác trong tuần, không gian vẫn mở cửa phục vụ du khách đến sử dụng dịch vụ du lịch khác nếu có nhu cầu trải nghiệm hoạt động sáng tạo sẽ được hỗ trợ.

Thời gian tới, Đoài Creative sẽ tổ chức thêm hoạt động tập trung cả ngày Chủ nhật. Nhà thiết kế Khuất Văn Thắng đang có ý tưởng phát triển thêm mô hình trải nghiệm cho trẻ em sinh hoạt ngoại khóa vào hai ngày cuối tuần tại Làng cổ Đường Lâm nhưng hiện chưa có quỹ đất.

Theo Trưởng Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo, không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo Đoài Creative là điểm giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống làng cổ đến du khách, để khách trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn.

Cải tạo khu nhà cũ thành không gian sáng tạo ở Làng cổ Đường Lâm ảnh 5Các du khách tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa người Việt trong không gian chợ Tết truyền thống tại sân đình Mông Phụ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Từ mô hình này, vị Trưởng Ban Quản lý Di tích Làng cổ khẳng định, Ban Quản lý sẽ tiếp tục vận động cải tạo những ngôi nhà cũ để trống hoặc có kiến trúc không phù hợp thành không gian sáng tạo với các chủ đề đặc sắc và đa dạng gắn kết với đời sống, văn hóa, lịch sử làng cổ... phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách, góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản, tăng thu nhập cho người dân./.

Làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận huyện Sơn Tây, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 44km.

Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua.”

Cho đến ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình,… với 956 ngôi nhà truyền thống.

Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên của cả nước được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Trung bình mỗi năm, Làng cổ Đường Lâm thu hút 120.000-130.000 lượt khách du lịch, trong đó có từ 6.000-7.000 lượt khách quốc tế.

15 năm qua, Làng cổ Đường Lâm cũng nhận được tư vấn, hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức trong nước, quốc tế, các nhà khoa học trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục