Vừa được ra mắt ngày 25/11, “Dạy trẻ bằng cả trái tim” là một cuốn sách đáng đọc không chỉ với các nhà giáo, mà còn là cẩm nang bổ ích cho các bậc phụ huynh để có thể làm tốt hơn nhiệm vụ dạy dỗ và chăm sóc những đứa trẻ.
Cuốn sách được viết bởi tác giả Rafe Esquit, một thầy giáo đã cả đời mình cống hiến cho nền giáo dục Mỹ.
Bằng cả trái tim mình, ông đã biến căn phòng số 56 nhỏ bé của một ngôi trường công giữa thành phố Los Angeles, là nơi học tập của các em học sinh lớp 5, và hầu hết các em đến từ các gia đình nhập cư nghèo khó, tương lai mờ mịt, thành một lớp học đáng mơ ước.
Ở đó, các em học sinh được tin tưởng, được yêu thương, được khơi dậy niềm đam mê học tập và tự tin ở chính bản thân mình.
Rafe Esquit đã được báo Washington Post đánh giá là “giáo viên thú vị và có ảnh hưởng lớn nhất của Hoa Kỳ.”
Còn theo tờ New York Times, “Rafe Esquit là một tài năng. (…) Nền giáo dục Mỹ rất nên học tập phương pháp giảng dạy của ông. Cuộc đời của các em học sinh đã thay đổi sau những năm học với thầy Rafe Esquit.”
Điều may mắn là thầy Rafe Esquit đã không chỉ dạy học, thầy còn ghi lại những gì đã diễn ra trong lớp học của mình, những bài học kinh nghiệm quý báu được thể hiện một cách rất thực tế, trong cuốn “Teach like your hair’s on fire”.
Cuốn sách đã được thạc sỹ Nguyễn Mạnh Hào, Tổng giám đốc hệ thống Anh ngữ AMES, đàm phán để đưa về Việt Nam và được dịch giả Nguyễn Thị Yến chuyển ngữ với tựa đề “Dạy học bằng cả trái tim”
[Dạy 100 kỹ năng sống cho trẻ bằng 100 bài thơ dễ nhớ]
Theo tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hào, ngay khi lần đầu tiên biết đến cuốn sách này, ông đã say sưa đọc hết cả đêm và quyết tâm đưa cuốn sách về Việt Nam dù bản thân không có kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản. Và vì là dân ngoại đạo, ông đã phải vượt qua rất nhiều lần từ chối mới được Nhà xuất bản Penguin (Mỹ), đơn vị giữ bản quyền cuốn sách, đồng ý.
Các lớp học đang được điều hành bằng “sự sợ hãi”
Tiến sỹ Hào cho biết, dù được viết từ những thập kỷ cuối của thế kỷ 20 nhưng bối cảnh nền giáo dục nước Mỹ lúc đó có rất nhiều điểm tương đồng với Việt Nam hiện nay như bệnh thành tích, dạy chay trong các môn khoa học, học sinh thiếu kỹ năng sống…
Trong phần đầu tiên của cuốn sách, thầy Rafe Esquit đã chỉ ra sự thật đáng buồn trong các nhà trường: “Sự thật là hiện nay, đa số các lớp học được điều hành bởi một thứ duy nhất, đó là sự sợ hãi”. Sự sợ hãi không chỉ ở học sinh, mà cả giáo viên.
Giáo viên sợ lớp học trông không được đẹp mắt, sợ không được yêu quý, sợ không được nghe lời, sợ mất quyền kiểm soát.
Học sinh sợ bị la mắng và sỉ nhục, sợ bẽ mặt trước các bạn, sợ bị điểm kém, sợ đối mặt với phẫn nộ của cha mẹ.
Rafe Esquit cũng thừa nhận những năm đầu đi dạy, ông cũng đã lên kế hoạch khiến học sinh phải sợ mình ngay từ ngày đầu tiên vào lớp. Nhưng ông đã nhanh chóng nhận ra rằng “không bao giờ được sử dụng sự sợ hãi làm lối đi tắt trong giáo dục”, và phải “thay thế sợ hãi bằng tin tưởng.”
Để đạt được điều đó, thầy giáo phải là người đáng tin cậy, là tấm gương cho học sinh và phải công bằng với những kỷ luật hợp lý.
Sáu cấp độ động cơ
Thầy Rafe Esquit cho rằng mình đã may mắn khi đọc được tài liệu về 6 cấp độ phát triển đạo đức của nhà tâm lý học người Mỹ Lawrence Kohlberg.
Theo đó, các cấp độ gồm: cấp độ 1: không muốn bị rắc rối; cấp độ 2: muốn được thưởng; cấp độ 3: muốn làm hài lòng ai đó; cấp độ 4: muốn tuân thủ các quy tắc; cấp độ 5: muốn chu đáo và tế nhị với người khác; cấp độ 6 là có quy tắc ứng xử riêng và tuân thủ nó.
Phân tích rõ từng ưu, nhược điểm của các cấp độ động cơ, thầy Rafe Esquit đã áp dụng vào công việc dạy học của mình và không ngừng tìm cách để nâng cao cấp độ cho các học sinh, giúp các em trở thành những người tự chủ, có quy tắc ứng xử riêng của bản thân mà không bị chi phối bởi người khác.
Rafe Esquit nhận định tư duy cấp độ một dựa trên sự sợ hãi và thường đa số học sinh được huấn luyện nó ngay từ phút bước chân vào trường, nhưng “các em sẽ chẳng thể tiến lên nếu động cơ chính bị mất phương hướng tới như vậy.”
Vì thế, trong ngày đầu tiên tới lớp, ông bắt đầu mối quan hệ hợp tác với học sinh và đề nghị các em bỏ cách tư duy cấp độ một lại phía sau.
Với cấp độ 2, trẻ hành động vì động cơ được thưởng, thầy Rafe Esquit không phủ nhận những hiệu quả tức thì mà nó mang lại. Tuy nhiên, ông cho rằng “mối nguy hại tiềm ẩn ở ngay chính hành động cho trẻ quà hay tiền vì cư xử đúng cách” và “chúng ta cần cho trẻ thấy cư xử đúng mực là việc bình thường, không đáng được thưởng.”
[Gây quỹ cộng đồng xuất bản sách phát triển kỹ năng cho trẻ tự kỷ]
Ở cấp độ 3, trẻ hành động vì muốn làm hài lòng ai đó, theo thầy Rafe Esquit, ở một mức độ nhất định cũng có giá trị tích cực, nhưng “những đứa trẻ này lớn lên sẽ trở thành những người lớn dễ nản lòng, ghét công việc của mình và sẽ mãi mãi không thể hiểu tại sao họ lại khó chịu với cuộc sống của mình đến vậy.”
Thầy Rafe Esquit cho rằng với cấp độ 4, trẻ hành động vì muốn tuân thủ các quy tắc, là một bước tiến khá tốt, bởi trẻ cần học về những ranh giới và những mong đợi trong hành vi ứng xử. Nhưng chính ông cũng nhận ra rằng, có những bản nội quy sai và nhiều vĩ nhân đã trở thành anh hùng do không theo các quy tắc.
Vì thế, “nếu chúng ta muốn muốn bọn trẻ đạt tới tầm cao đó, chúng cần biết các quy tắc nhưng cũng phải biết nhìn vượt qua các bảng nội quy trên tường.”
Cấp độ 5, động cơ của hành động là chu đáo và tế nhị với người khác. “Cấp độ 5 có thể được xem như là một khoảng cách phân định giữa trẻ con và người lớn. Vì vậy, nếu chúng ta có thể giúp bọn trẻ đạt được trạng thái cảm thông với mọi người xung quanh thì chúng ta đã gặt hái được khá nhiều,” thầy Rafe Esquit viết.
Tuy nhiên, khi đạt được cấp độ 5, ông vẫn muốn học sinh của mình phải đạt tới cấp độ cao hơn nữa. Đó là cấp độ 6, khi mỗi người có thể hình thành quy tắc ứng xử riêng của mình.
Bằng nhiều phương pháp khác nhau, với sự nỗ lực và tận tâm, thầy Rafe Esquit đã đưa học sinh của mình vượt qua từng nấc thang để trưởng thành hơn./.
Không mới, nhưng thú vị và thực tế
Theo tiến sỹ Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm câu lạc bộ “Đọc sách cùng con,” xét về tư tưởng, những điều mà thầy Rafe Esquit đưa ra không mới và độc giả có thể tìm thấy ở rất nhiều tài liệu khác.
“Tuy nhiên, điều hấp dẫn là những tư tưởng đó được Rafe Esquit hệ thống lại, thể hiện qua những trải nghiệm thực tế của bản thân. Vì thế, nó không khô cứng, giáo điều, lý thuyết mà rất sinh động và thú vị,” bà Thụy Anh nói.