Campuchia gửi trả 83 container rác thải nhựa về Mỹ và Canada

Campuchia đã phát hiện số container rác thải nhựa bất hợp pháp trên tại cảng ở Sihanoukville sau khi cơ quan chức năng nghi ngờ về bản kê khai hàng hóa không rõ ràng.
Campuchia gửi trả 83 container rác thải nhựa về Mỹ và Canada ảnh 1Kiểm tra các container rác thải nhựa bất hợp pháp tại cảng ở Sihanoukville, Campuchia ngày 17/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/7, Campuchia thông báo sẽ gửi trả 1.600 tấn rác thải nhựa nhập khẩu bất hợp pháp, được chứa trong 83 container tại cảng biển phía Đông Nam nước này, về điểm xuất phát là Mỹ và Canada.

Trước đó, ngày 16/7, cơ quan chức năng Campuchia đã phát hiện số container rác thải nhựa bất hợp pháp trên tại cảng ở Sihanoukville, cách thủ đô Phnom Penh 230km về phía Tây Nam, sau khi cơ quan chức năng nghi ngờ về bản kê khai hàng hóa không rõ ràng. Đây là lần thứ hai, một lượng lớn rác thải được phát hiện tại Campuchia, sau trường hợp đầu tiên vào năm 1998, khi khoảng 3.000 tấn rác thải độc hại bị bỏ lại ở ngoại ô thành phố Sihanoukville.

Người phát ngôn Bộ Môi trường Campuchia Neth Pheaktra khẳng định Campuchia không phải là nơi chứa rác thải nhựa và đồ công nghệ cũ nát. Có tới 70 container chứa đầy rác thải nhựa có nguồn gốc từ Mỹ và 13 container khác đến từ Canada. Hình ảnh các container nhồi đầy rác thải nhựa được đăng tải trên mạng xã hội đang khiến cộng đồng mạng Campuchia dậy sóng.

[Campuchia phát hiện 83 container rác thải nhựa nhập khẩu bất hợp pháp]

Campuchia đang rất vất vả để đối phó với rác thải nhập khẩu. Việc Trung Quốc quyết định cấm nhập khẩu rác thải nhựa từ năm ngoái đã đẩy ngành tái chế toàn cầu vào khủng hoảng và khiến các nước phát triển lúng túng trong việc tìm nơi chuyển rác thải.

Lượng rác thải khổng lồ đã tìm đến các cảng ở Đông Nam Á. Indonesia đầu tháng này đã thông báo gửi trả hàng chục container rác thải nhập khẩu về Pháp và một số nước phát triển khác. Trước đó hồi tháng Năm, Malaysia cũng cho quay đầu 450 tấn rác thải nhựa về nơi xuất phát điểm.

Theo Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên thế giới, mỗi năm thế giới sản xuất khoảng 300 triệu tấn nhựa và phần lớn trong số này được vùi lấp trong đất hoặc trôi dạt dưới biển gây ô nhiễm nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục