Cần ban hành luật để siết chặt quản lý đầu tư công

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần ra Luật đầu tư công để góp phần khắc phục tình trạng đầu tư công dàn trải, phân tán, lãng phí.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, sáng 23/9, cho ý kiến về dự án Luật đầu tư công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần thiết ban hành Luật đầu tư công nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Do thiếu hệ thống pháp luật đồng bộ, đặc biệt là việc phân cấp quá rộng lại thiếu các chế tài và biện pháp quản lý giám sát, nên nhiều năm qua, việc đầu tư công bằng các nguồn vốn của Nhà nước đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, như phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư tràn lan không tính đến khả năng cân đối vốn, bố trí vốn dàn trải dẫn đến thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém và lãng phí nguồn lực; tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực đến cân đối ngân sách các cấp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật đầu tư công cần phải là đạo luật tác động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu đầu tư; tăng cường, xiết chặt kỷ luật về đầu tư công, khắc phục triệt để những tồn tại yếu kém trong quản lý nhà nước về đầu tư công hiện nay, nhất là khâu quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện nghiêm khắc kỷ cương trong việc phân bổ vốn đầu tư phù hợp chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về tính thống nhất của Luật đầu tư công trong hệ thống pháp luật. Luật đầu tư công liên quan đến một loạt luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai... cũng như các nghị định, thông tư, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành...

Các luật và văn bản quy phạm pháp luật này đã và đang là cơ sở pháp lý để quản lý đầu tư nói chung và hoạt động đầu tư công nói riêng trên toàn quốc. Do vậy, để có được những luận cứ thuyết phục cho việc ra đời một Luật riêng về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, đối chiếu với các luật hiện hành cũng như các luật dự kiến sửa đổi để đảm bảo tính chặt chẽ, toàn diện của hệ thống pháp luật.

Luật đầu tư công liên quan đến nhiều Luật khác mà Quốc hội đã ban hành và nhiều dự án Luật đã đưa vào chương trình, nếu không xác định phạm vi rõ ràng sẽ không thống nhất – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý khẳng định.

Ông Phan Trung Lý cho rằng cần làm rõ Luật đầu tư công có điểm nào khác với Luật ngân sách, Luật xây dựng, Luật đấu thầu và đặc biệt là Luật quản lý sử dụng vốn của nhà nước. Phạm vi điều chỉnh của Luật cần xác định rõ hơn những gì còn chồng chéo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu làm rõ phạm vi đối tượng, những điểm khác biệt, những nội dung kế thừa, sửa đổi hay bác bỏ các Luật và văn bản quy phạm pháp luật khác.

Để đạt được mục tiêu đề ra là tránh tình trạng phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư tràn làn không tính đến khả năng cân đối vốn, bố trí vốn dàn trải; dẫn đến thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém và lãng phí nguồn lực; thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, Ủy banThường vụ Quốc hội đề nghị Luật đầu tư công phải giải quyết được vấn đề thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công; kế hoạch đầu tư trung hạn; điều kiện và đối tượng chương trình, dự án đầu tư công được ghi vốn kế hoạch đầu tư hàng năm; căn cứ để quyết định đầu tư; giá hợp đồng thầu và giá thanh toán thầu...

Băn khoăn về vấn đề đấu thầu, trúng thầu, giá thanh toán, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề Luật quy định đầu tư trên giá nào, quyết định trên giá nào, lấy giá nào để ghi kế hoạch, để trả tiền, nếu đấu thầu rồi vẫn cho điều chỉnh giá sẽ phá vỡ Luật.

Chủ tịch Quốc hội  cho rằng giá trúng thầu và giá thanh toán phải là một giá, trúng thầu bao nhiêu trả thầu bấy nhiêu, tránh câu chuyện điều chỉnh giá triền miên, chỉ điều chỉnh giá thanh toán trong trường hợp bất khả kháng như thiên tai. Nếu Luật không giải quyết được vấn đề này sẽ không đảm bảo chất lượng, không có cách gì để phòng chống tham nhũng, lãng phí. Luật phải buộc chặt, quyết định đầu tư không trúng, ai là người chịu trách nhiệm và có quy định về ghi vốn trái phiếu bởi đây cũng là một nguồn đầu tư công.

Làm rõ hơn các vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết về cơ bản, Luật đầu tư công không có vướng mắc gì lớn so với các luật hiện hành, phạm vi điều chỉnh luật tập trung quy định toàn bộ quá trình quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và các khoản vốn đầu tư khác có tính chất ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Bộ đang nghiên cứu hướng đấu thầu trọn gói để hạn chế rủi ro, trong trường hợp cụ thể, nếu có sự tác động quá lớn, các dự án mới được chuyển sang hình thức khác là không trọn gói.

Bộ trưởng khẳng định khi Luật đầu tư công được ban hành sẽ hạn chế tối đa việc bố trí vốn tràn lan, dàn trải nhiều năm. Luật đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư; quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án; theo dõi, đánh giá kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công đồng thời trong mục này cũng quy định một điều về các chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý đầu tư công.

Qua theo dõi cho thấy lãng phí nhiều nhất là ở chủ trương đầu tư, do đó, Luật quy định hẳn một chương về chủ trương đầu tư. Như vậy, khi chưa có sự thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, các địa phương sẽ không dám tự bố trí vốn, các bộ ngành không dám phê duyệt dự án đầu tư tràn lan.

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, điểm mới của Luật là quy định việc thẩm định vốn, không có vốn không được triển khai, như vậy, khi dự án được khởi công chắc chắn là có tiền giải ngân, tránh tình trạng cấp vốn nhỏ giọt, kéo dài, gây lãng phí./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục