Trong bối cảnh xu thế vé máy bay tăng cao, ngành hàng không-du lịch đã đưa ra nhiều giải pháp liên kết đồng thời kiến nghị các địa phương cần có chính sách ưu đãi giá hợp lý (về nghỉ dưỡng, vận chuyển, nhà hàng…), chương trình hỗ trợ hợp tác ngắn hạn và lâu dài trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên.
Hàng không-du lịch có nhiều dư địa phát triển
Tại hội thảo “Hàng không-du lịch ‘bắt tay’ liên kết phát triển bền vững” do Báo Nhân dân tổ chức vào chiều 12/6, đánh giá việc giá vé máy bay tăng quá cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho rằng ngành hàng không-du lịch vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Hiện, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã quay trở lại năm 2019, khách quốc nội vẫn chưa thể phục hồi như kỳ vọng. Trong bối cảnh thiếu hụt đội bay, muốn tăng tải chỉ bay sáng sớm và đêm.
“Tháng 4-5/2024, Vietnam Airlines tăng rất nhiều chuyến bay đêm để giảm giá vé. Tháng 5, Vietnam Airlines phải hủy 10% chuyến do không có khách vào khung giờ đêm, điều này cho thấy nhu cầu thị trường khách chưa sẵn sàng bởi mất thêm chi phí phòng, điểm đến có thuận tiện cho mọi người đi lại không...,” ông Hà chia sẻ.
Từ đó, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đề nghị các doanh nghiệp du lịch cần có chính sách giảm giá đêm đầu tiên cho những khách bay đêm. Hàng không và du lịch cần có sự bắt tay nhau để có các chương trình chính sách bay đêm.
Ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết giá vé chỉ “hạ nhiệt” khi số lượng máy bay tăng lên. Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải đều thể hiện con số đáng lo ngại khi số lượng đội máy bay nước ta chỉ còn 160 chiếc so với hơn 230 chiếc trước dịch COVID-19.
Tư lệnh ngành nói về giá vé máy bay “hạ nhiệt”: “Lợi ích hài hòa-rủi ro chia sẻ”
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận đây là vấn đề bức xúc vừa qua, ông cho rằng giá vé thuộc về trách nhiệm Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính. Tuy nhiên Bộ VHTT và DL đã không đứng ngoài cuộc.
Đưa ra con số thế giới vẫn có nhiều máy bay (số lượng máy bay đang hoạt động 30.000-40.000 chiếc), theo ông Nam, chỉ cần trả giá cao hơn là thuê được máy bay ngay lập tức, 60 hay 100 chiếc cũng có nếu chấp nhận mặt bằng giá cả hiện nay.
“Xây khách sạn mất 5 năm, còn máy bay thuê ướt (thuê kèm tổ bay, dịch vụ bảo dưỡng, bảo hiểm) mất 15-30 ngày, thuê khô (chỉ thuê máy bay) mất 3 tháng là cùng. Tuy nhiên, hãng bay không cố gắng đưa máy bay về để bay vì mặt bằng chi phí đầu vào hàng không như hiện nay, cơ chế giá trần duy trì từ thời bao cấp, các hãng bay nội địa không có lãi, càng thuê thêm nhiều máy bay càng phải gồng lỗ, gánh chi phí khổng lồ. Nếu có lãi, không cần ai nhắc nhở, các hãng cũng sẽ vì lợi ích của mình mà tìm thuê thêm nhiều máy bay. Khi ấy, giá vé máy bay nội địa chắc chắn sẽ hạ nhiệt,” ông Nam quả quyết.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) nhìn nhận giá vé máy bay tăng cao không chỉ làm tổn hại cho ngành hàng không và du lịch mà còn tác động đến các ngành kinh tế khác, đặc biệt là sinh kế của người dân địa phương.
“Giá vé máy bay trong nước ở Việt Nam chỉ thấp hơn chút ít so với giá vé máy bay đi các nước trong khu vực. Do đó, nhiều gia đình Việt Nam sẽ lựa chọn đi du lịch nước ngoài thay vì du lịch trong nước. Điều này làm cho du lịch nội địa không phát triển,” ông Chính bày tỏ lo ngại.
Mặt khác, ông Chính cũng cho rằng chính sách thời gian nhận, trả phòng đang áp dụng theo khung cứng mà chưa có sự linh hoạt về thời gian. Trong khi đó, việc nhận và trả phòng linh hoạt là một định hình mới trong ngành khách sạn mà các doanh nghiệp du lịch cũng cần phải thay đổi theo xu thế.
Chia sẻ lợi ích và trách nhiệm
Về phía các đơn vị du lịch, bà Lương Thị Hoàng Lan, Giám đốc khối kinh doanh Khối Du lịch nghỉ dưỡng, Tập đoàn Sun Group cho rằng sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa địa phương-du lịch-hàng không, không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của các điểm đến trong nước, mà còn làm ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các bên và gián tiếp hạn chế khả năng tăng tốc phát triển của ngành du lịch Việt Nam và sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Để việc liên kết xúc tiến, quảng bá giữa Du lịch và Hàng không có hiệu quả lâu dài, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lữ hành Saigontourist cho rằng nếu không có sự bắt tay của 2 bên, thị trường sẽ tự dịch chuyển và làm thay đổi thói quen, hành vi của khách hàng, các tuyến du lịch đường bay sẽ bị ảnh hưởng. Du lịch và Hàng không cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng đường bay mới trên cơ sở có phân tích kỹ nhu cầu của thị trường và cùng cam kết xúc tiến, kinh doanh lâu dài nhằm đảm bảo hiệu quả khai thác du lịch hai chiều,” ông Yên nói.
Để kích cầu du lịch trong nước, Lữ hành Saigontourist đang phối hợp cùng Vietnam Airlines nghiên cứu xây dựng sản phẩm ưu đãi với chuyến bay khởi hành sau 21h hàng ngày đến các điểm đến du lịch trong nước với mức giá vé máy bay giảm hơn 50% và miễn phí đêm khách sạn đầu tiên trong chương trình tour. Dự kiến, dòng sản phẩm này sẽ góp phần tăng nhu cầu du lịch đường bay của du khách trong mùa hè năm nay với một chính sách giá rất cạnh tranh và vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ và đầy đủ các trải nghiệm cho du khách trong nước.
Linh hoạt thu hút khách du lịch nội địa khi chi phí vận chuyển hàng không tăng
Để kích cầu du lịch thời gian tới, ngành Du lịch Hà Nội đang linh hoạt thực hiện các giải pháp thu hút khách, đảm bảo mức tăng trưởng lượng khách, giữ ổn định thị trường.
Phía Tập đoàn Sun Group kiến nghị địa phương-du lịch-hàng không phải bàn kế hoạch hợp tác ngắn hạn và lâu dài trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên. Không chỉ hàng không và du lịch cần đưa ra chính sách giá tốt, các địa phương/điểm đến cũng cần đưa ra những chính sách ưu đãi giá hợp lý (về nghỉ dưỡng, vận chuyển, nhà hàng…) để tạo điều kiện xây dựng những chương trình, combo sản phẩm nghỉ dưỡng chất lượng với mức giá ưu đãi bao gồm cả vé máy bay, phòng khách sạn và tour du lịch… sẽ giúp các bên cùng có lợi, ổn định về lượng khách và đạt hiệu quả cao nhất.
Nhằm giảm mặt bằng giá vé, hỗ trợ việc kích cầu du lịch, đại diện các hãng hàng không, ngành du lịch kiến nghị Chính phủ tiếp tục các chương trình hỗ trợ các hãng bay như: giảm thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay, thuế nhập khẩu nhiên liệu bay; phí hạ cất cánh; giảm lãi suất vay ngân hàng; có các chính sách hỗ trợ về phát triển đội bay; chính sách quản lý giờ cất, hạ cánh, giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh và điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; bỏ quy định về giá trần; địa phương có sân bay có cơ chế, chính sách bù lỗ cho ngành hàng không.../.