Cần chính sách ưu tiên để khuyến khích hoạt động lấn biển

Hoạt động lấn biển để bảo đảm bảo vệ vững chắc đất liền, vừa chủ động chống sạt lở, biến đổi khí hậu, phòng ngừa nước biển dâng, mở rộng lãnh thổ nên cần cơ chế ưu tiên.
Cần chính sách ưu tiên để khuyến khích hoạt động lấn biển ảnh 1Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu tại Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hoạt động lấn biển là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận hôm nay, 3/11, về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Theo đó, các đại biểu đều cho rằng cần có chính sách để khuyến khích hoạt động này.

Hai phương án lựa chọn

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng nay, 3/11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết theo điều 191 của dự thảo luật, việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư có hoạt động lấn biển, dự thảo Luật quy định nguyên tắc chung về việc nhà đầu tư có dự án đầu tư có hoạt động lấn biển đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì được giao khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển cùng với giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư. Về các nội dung khác, dự thảo Luật thiết kế hai phương án tại khoản 6 Điều 191.

Phương án 1: Giao Chính phủ quy định cụ thể về dự án đầu tư có hoạt động lấn biển, các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có hoạt động lấn biển, chi phí lấn biển...

Phân tích về phương án này, cơ quan soạn thảo cho rằng hoạt động lấn biển không chỉ thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai mà còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, môi trường, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và pháp luật khác có liên quan, vì vậy, cần có quy định mang tính đồng bộ. Phương án này chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai và giao Chính phủ quy định để bảo đảm linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện.

Phương án 2: Chỉnh sửa, quy định về giao đất, cho thuê đất chỉ đối với phần đất phục vụ trực tiếp cho hoạt động lấn biển gắn với nguyên tắc giao đất đồng thời giao khu vực biển.

Phương án này đã bước đầu làm rõ một số dự án đầu tư có hoạt động lấn biển. Tuy nhiên, đối với dự án đầu tư có hoạt động lấn biển do nhà đầu tư thực hiện bằng vốn của nhà đầu tư, phương án này vẫn chưa làm rõ được trường hợp dự án đầu tư có cả phần đất liền không phục vụ cho hoạt động lấn biển thì nếu chỉ căn cứ vào tính chất “có hoạt động lấn biển” là đã xác định thu hồi để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đã bảo đảm hợp lý chưa. Việc quy định tất cả các nội dung này tại Luật Đất đai chưa phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Cần cơ chế ưu tiên

Phát biểu về vấn đề lấn biển, đại biểu Vũ Xuân Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho rằng hiện khá nhiều văn bản của pháp luật quy định về nội dung này. Tuy nhiên, các quy định hiện nay chưa thống nhất, nhất là quy định pháp luật đất đai và pháp luật về biển.

“Vì vậy, để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án lấn biển để phát triển hạ tầng, mở rộng không gian biển, tăng thu ngân sách nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội, tôi đề nghị quy định rõ như phương án 2 khoản 6 Điều 191 dự thảo luật quy định về nguyên tắc hoạt động lấn biển và giao cho Chính phủ quy định trình tự thủ tục, vì nội dung này ảnh hưởng đến phạm vi rất lớn và nhiều nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh,” đại biểu Hùng nói.

Cần chính sách ưu tiên để khuyến khích hoạt động lấn biển ảnh 2Đại biểu Trần Thị Thanh Lam nêu ý kiến. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cho hay lấn biển là một hoạt động đã diễn ra khá lâu ở nước ta. Tuy nhiên, Luật Đất đai hiện hành chưa quy định về vấn đề này. Đối với khoản 6 Điều 191, đại biểu Bé chọn phương án 1. “Đây là phương án mà đa số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn và qua phân tích của Báo cáo tiếp thu, giải trình của Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, tôi cho là hợp lý. Chính vì vậy, tôi chọn phương án này,” đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nói.

[Luật Đất đai sửa đổi sẽ giải quyết những điểm nghẽn về chính sách]

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre nhận định lấn biển một hoạt động rất quan trọng nhằm khai thác thế mạnh của 28 tỉnh thành có biển. Không chỉ phục vụ cho các dự án đầu tư mà hoạt động lấn biển còn là hoạt động cho nhiều hoạt động sinh kế của người dân ven biển, giúp họ phát triển kinh tế, bám biển bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Hoạt động lấn biển để bảo đảm bảo vệ vững chắc đất liền, vừa chủ động chống sạt lở, biến đổi khí hậu, phòng ngừa nước biển dâng. “Tôi cho rằng đây là một hoạt động rất quan trọng chưa được nêu rõ trong Điều 191, đề nghị bổ sung,” đại biểu Lam nói. Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Bến Tre cũng đề nghị bổ sung ở Điều 191 về vấn đề lấn sông.

Thứ hai, tôi đề nghị bổ sung ở Điều 191 về lấn sông. Vì thực tế ở khu vực “Nếu không quy định sẽ thiếu trong quy hoạch và sử dụng, quản lý đất,” đại biểu Lam nói.

Đây cũng là quan điểm của đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau. Đại biểu Vân đề nghị nên quy định nguyên tắc ở trong Luật Đất đai thay vì ủy thác hết cho Chính phủ. Nguyên tắc đó là khuyến khích và ưu đãi các thể nhân, pháp nhân tham gia hoạt động lấn biển để mở rộng không gian sinh tồn, gia tăng quỹ đất.

Đại biểu Vân dẫn chứng ở chế độ phong kiến, rất nhiều chế độ ưu đãi, như miễn quân dịch, được mặc sắc phục riêng, thậm chí được ban hành quy chế riêng, ngoài việc miễn thuế, cấp chủ quyền… Các nước thường họ sử dụng công cụ thuế để điều tiết, chế độ ưu đãi về tài chính.

Theo đó, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Nhà nước cần phải khuyến khích và ghi trong luật về việc lấn biển: Hỗ trợ về tài chính, ai làm sẽ được khuyến khích và hỗ trợ về lãi suất; Miễn, giảm thuế trong một thời hạn, có thể 20 năm đến 30 năm; Cấp quyền sử dụng đặc biệt nếu như mảnh đất đấy có thể sử dụng vào những việc phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có lợi cho cả 3 bên, Nhà nước, doanh nghiệp và cho người dân./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục