Cần có đánh giá khoa học về sản xuất và sử dụng amiăng trắng

Tại Việt Nam, sợi amiăng trắng được nhập khẩu làm sợi gia cường trong ngành sản xuất tấm lợp, má phanh ô tô và xe tải hạng nặng, dây phanh xe máy và sản phẩm cách nhiệt.
Cần có đánh giá khoa học về sản xuất và sử dụng amiăng trắng ảnh 1Mái nhà sử dụng tấm lợp fibro ximăng.

Tại nhiều nước trên thế giới, amiăng trắng đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau từ ngành xây dựng, dệt may, ôtô, hàng không đến khoa học vũ trụ và quốc phòng.

Tại Việt Nam, sợi amiăng trắng được nhập khẩu làm sợi gia cường trong ngành sản xuất tấm lợp, má phanh ô tô và xe tải hạng nặng, dây phanh xe máy và sản phẩm cách nhiệt. Tuy nhiên, đề xuất cấm amiăng trắng đang đặt ra một bài toán kinh tế lớn cho doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

[Tấm lợp amiăng và thực tế sử dụng có kiểm soát tại các nước]

Gánh nặng kinh tế của lệnh cấm amiăng trắng

Năm 2015, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã thực hiện một nghiên cứu nhằm đánh giá về “Tác động của việc cấm amiăng trắng tại Việt Nam - Trường hợp tấm lợp fibro ximăng”. Theo đó, nếu các doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ sợi PVA thì tổng chi phí lên tới 395 tỷ đồng.

Trong quá trình chuyển đổi, giả định chỉ 10% công nhân bị cắt giảm và phải mất thời gian 6 tháng để những người này ổn định việc làm, số tiền lương mất đi sẽ lên đến 15,7 tỷ. Để tháo dỡ và thay thế hàng tỷ mét vuông tấm lợp fibro ximăng đang được sử dụng, tổng số tiền mà Chính phủ phải chi sẽ là 454,5 nghìn tỷ đồng và người tiêu dùng sẽ phải chi trả 183,5 nghìn tỷ đổng cho chi phí tăng lên do sử dụng tấm sợi PVA (loại vật liệu ít tốn kém nhất để thay thế hiện nay) giai đoạn 2021-2030.

Tuy chưa có một con số thống kê chính thức về tác động kinh tế của việc cấm sợi amiăng trắng đối với toàn bộ các ngành công nghiệp có sử dụng amiăng trắng tại nước ta, nhưng từ con số của ngành sản xuất tấm lợp, có thể thấy gánh nặng kinh tế sẽ lớn hơn nhiều nếu áp dụng cho tất cả các ngành khác.

Đối với Thái Lan, do luật pháp nước này quy định việc cấm một chất đồng nghĩa với việc cấm hoàn toàn việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng và sở hữu. Vì vậy, nếu lệnh cấm được đưa ra thì bắt buộc phải dỡ bỏ toàn bộ các công trình chứa amiăng trắng, kể cả trong các công trình của quân đội. Điều này là hoàn toàn không khả thi trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay của nước này do amiăng trắng được ứng dụng trong nhiều sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Cần áp dụng đồng loạt

Tại Việt Nam, amiăng trắng được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có ngành công nghiệp tấm lợp fibro ximăng là bị đề xuất cấm sử dụng loại sợi này dù chúng đã được dùng làm nguyên liệu phối trộn trong sản xuất tấm lợp từ những năm 1963 và nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy không có trường hợp nào được tìm thấy bị ung thư do liên quan đến amiăng trắng. Vì vậy, đề xuất phải ban hành lệnh cấm amiăng trắng đã gặp phải nhiều dấu hỏi của doanh nghiệp sản xuất tấm lợp.

Tại Hội nghị về việc sử dụng amiăng trắng trên thế giới và Việt Nam do Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường và Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 28/7 vừa qua, các doanh nghiệp đã kiến nghị lên Chính phủ về việc cần xem xét và đánh giá một cách thận trọng, toàn diện trước khi ban hành lệnh cấm. Bên cạnh đó, nếu lệnh cấm amiăng trắng được thông qua thì cần áp dụng một cách đồng loạt trên tất cả các ngành công nghiệp sử dụng amiăng trắng chứ không riêng ngành tấm lợp.

Hiện nay amiăng trắng đang được ứng dụng rộng rãi trong ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là ngành sản xuất tấm lợp fibro ximăng với đối tượng tiêu thụ chủ yếu là bà con nghèo, người có thu nhập thấp tại vùng sâu vùng xa, các địa phương có sương muối hay ngập mặn.

Hơn nữa, từ nhiều năm nay, tấm lợp fibro ximăng đã được chọn dùng trong các chương trình hỗ trợ người nghèo như Chương trình 135 và 167 của Chính phủ thì người dân thường dùng tấm lợp này để thay thế cho vật liệu khác. Bên cạnh đó, tấm lợp fibro ximăng là vật liệu hàng đầu trong công tác đối phó và khắc phục hậu quả thiên tai do giá thành rẻ, độ bên cao, dễ vận chuyển và xây lắp.

Do đó, nếu chỉ ban hành lệnh cấm nhập khẩu sợi amiăng để sản xuất tấm lợp trong khi nhu cầu sử dụng loại tấm này còn cao thì vô tình chúng ta đã triệt tiêu một ngành công nghiệp trong nước để tạo nên một cơ hội cho các sản phẩm tấm lợp giá rẻ của Thái Lan và Trung Quốc tràn vào.

Câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là việc áp dụng sợi thay thế. Đối với tấm sợi thay thế PVA, chưa kể đến giá thành cao hơn 1,5 lần, loại tấm này còn bộc lộ nhiều khuyết điểm so với tấm fibro xi măng.

Năm 2014, Viện Vật liệu Xây dựng đã triển khai đề tài “Nghiên cứu kiểm tra, đánh giá chất lượng của tấm amiăng ximăng và tấm amiăng sợi PVA”. Kết quả cho thấy các thông số về tải trọng uốn gãy, cường độ uốn và lực phá hủy của tấm sợi amiăng trắng đều cao hơn so với tấm sợi PVA. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về mức độ tác động đến sức khỏe con người của loại vật liệu thay thế này.

Về việc thay thế tấm fibro ximăng bằng tấm tôn hay mạ kẽm cũng không khả thi do tính kháng kiềm của các vật liệu này kém, không thích hợp cho khí hậu vùng ven biển, vùng ngập mặn và sương muối, các tấm này sẽ bị bong tróc chỉ trong thời gian ngắn, thời gian sử dụng không bền, chi phí thay thế và thi công đắt đỏ.

Cần có đánh giá khoa học về sản xuất và sử dụng amiăng trắng ảnh 2Cần có nghiên cứu khoa học khi cấm Amiăng.

Chưa có trường hợp nào bị ung thư do tiếp xúc amiăng trắng

Năm 1999, Giáo sư Nguyễn Xuân Triều đã nghiên cứu về ung thư trung biểu mô màng phổi và đã làm sinh thiết cho 203 bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi do ung thư và do lao, kết quả tìm thấy 15 trường hợp ung thư trung biểu mô. Tuy nhiên trong 203 trường hợp này, không thấy trường hợp nào có tiền sử tiếp xúc amiăng.

Với sự tài trợ của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi của Nhật Bản, năm 2009 - 2011, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện “Nghiên cứu các bệnh liên quan đến amiăng ở những người tiếp xúc”.

Kết quả phỏng vấn tìm tiền sử nghề nghiệp liên quan đến amiăng ở 447 trường hợp bệnh liên quan đến amiăng bao gồm ung thư phổi, mảng dày màng phổi và ung thư trung biểu mô cho thấy có chỉ có 46 trường hợp được chẩn đoán ung thư trung biểu mô màng phổi.

Sau sàng lọc, chỉ còn lại 39 mẫu bệnh phẩm đối tượng được chẩn đoán ung thư trung biểu mô được lựa chọn gửi sang Bệnh viện Hiroshima, Nhật Bản và đã được chuyên gia Nhật Bản xác định chẩn đoán là 08 trường hợp trong đó không có trường hợp nào có tiền sử rõ ràng tiếp xúc nghề nghiệp với amiăng.

Việc cấm amiăng trắng tại Việt Nam đang đặt ra một bài toán kinh tế nan giải, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và ngân sách quốc gia. Khi mà vật liệu thay thế hợp lý cho sợi này còn là câu hỏi để ngỏ cùng với việc thiếu các bằng chứng khoa học về ảnh hưởng của amiăng trắng tại Việt Nam, do vậy đã có một số doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần có những nghiên cứu đánh giá toàn diện hơn để theo dõi ảnh hưởng của amiăng trắng đến sức khoẻ đồng thời đánh giá về tác động của lệnh cấm đối với toàn bộ các ngành công nghiệp sử dụng amiăng trắng, doanh nghiệp và người tiêu dùng./.

Tuy có chung tên thương mại là amiăng nhưng amiăng trắng và amiăng nâu và xanh lại rất khác nhau về cấu trúc vật lý và thành phần hoá học. Amiăng trắng có dạng silicat tấm, với lớp vỏ bruxite magiê bao phủ bên ngoài. Khi tiếp xúc với axit, lớp vỏ magiê dễ dàng bị phân hủy, chỉ còn lại lớp silic điôxít làm cho liên kết giữa các phân tử yếu đi khiến kết cấu sợi biến dạng. Do đó, khi đi vào trong phổi, lớp vỏ amiăng trắng nhanh chóng bị phân hủy bởi các đại thực bào và lớp silic điôxít còn lại bị đào thải ra khỏi cơ thể trong vòng từ 0,3 - 11 ngày.

Trong khi đó, các sợi thuộc nhóm amiăng nâu và xanh khi đi qua đường hô hấp vào phổi sẽ nằm lại đó, không bị phân huỷ, kích thích việc tạo thành các u, bướu, gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người. Cũng chính vì tính bền vững này mà nhóm này đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới, chỉ còn amiăng trắng được phép sử dụng có kiểm soát tại 147 quốc gia. Tại Việt Nam, chỉ có amiăng trắng là loại duy nhất được sử dụng từ trước đến nay.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục