Ngày 9/4, tại Phú Thọ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Quân khu 2 đã tổ chức tổng kết 5 năm công tác kết hợp quân-dân y vùng Tây Bắc giai đoạn 2009-2014.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định công tác kết hợp quân-dân y đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng, xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn thông qua các mô hình Bệnh xá quân-dân y, Trung tâm y tế kết hợp quân-dân y, Trạm y tế, Phòng khám quân-dân y; lồng ghép lực lượng quân y, dân y vào hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội.
Để không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm y tế cho quốc phòng, an ninh trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các địa phương trong vùng triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp kết hợp quân-dân y, góp phần xây dựng các tỉnh và thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc.
Cụ thể, trong thời gian tới cần nâng cao năng lực về quản lý, chỉ đạo, điều hành của Ban quân-dân y các cấp, bảo đảm cho người dân vùng Tây Bắc được tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng; đa dạng hóa các hình thức kết hợp để phát huy hiệu quả công tác kết hợp quân-dân y; bảo đảm tính bền vững về nguồn lực tài chính cho các hoạt động kết hợp quân-dân y; tăng cường công tác kết hợp quân-dân y xây dựng lực lượng dự bị động viên...
Các đại biểu dự hội nghị đã khẳng định chương trình quân-dân y kết hợp thời gian qua đã phát huy hiệu quả “nối dài cánh tay chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.”
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kết hợp quân-dân y trên địa bàn Tây Bắc thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục như chưa phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của quân y và dân y; hoạt động kết hợp quân-dân y có nơi chưa tích cực, đồng đều, chưa tạo được mối quan hệ chặt chẽ giữa quân y và dân y.
Một số tỉnh chưa có kế hoạch cụ thể, lâu dài cho công tác kết hợp quân-dân y, chưa xây dựng được quy chế phối hợp giữa lực lượng quân y và dân y; có nơi, có lúc còn có biểu hiện kết hợp quân-dân y theo kiểu “phong trào,” làm “được chăng hay chớ”... Nhiều nơi, Ban quân-dân y cấp tỉnh, huyện còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng...
Các đại biểu dự Hội nghị cũng thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến, nhất là các giải pháp để xây dựng tiềm lực y tế cho sự nghiệp quốc phòng, an ninh, tạo thế trận phòng thủ liên hoàn vững chắc cho vùng Tây Bắc. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù đối với cán bộ y tế ở các xã, cụm xã, các phòng khám quân-dân y Biên phòng thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trọng yếu trên địa bàn Tây Bắc để đội ngũ này yên tâm công tác phục vụ đồng bào.
Tây Bắc là địa bàn chiến lược có vị trí hết sức quan trọng trong thế phòng thủ chung của cả nước, nhưng còn nhiều khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu và thiên tai, dịch bệnh, địa bàn chia cắt. Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và nỗ lực của các địa phương, hệ thống y tế cơ sở của các tỉnh vùng Tây Bắc đã có những bước phát triển mới, song vẫn còn hạn chế so với mức bình quân chung của cả nước.
Tỷ lệ chết sơ sinh còn cao, ở mức 23,2% so với trung bình cả nước là 15,3%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ cân/tuổi là 19,9% (năm 2013) còn cao hơn so với trung bình cả nước (15,3%); tỷ lệ xã trong vùng có bác sỹ đạt 64% (cả nước là 76,9%), số bác sỹ bình quân trong vùng là 7,3 bác sỹ/10.000 dân (cả nước là 7,5 bác sỹ/10.000 dân). Tính đến năm 2013, vùng Tây Bắc mới có 30% số xã đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã./.