“Cần nghiên cứu cho phép thực hiện giao dịch T+0”

Đại diện nhóm Thị trường vốn, ông Donimic Scriven cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những dấu hiệu hồi phục từ năm 2012 đến nay,nhưng chưa được đặt trên một nền tảng bền vững. Nhìn chung "sức khỏe" các doanh nghiệp niêm yết còn yếu, thanh khoản thị trường thấp, nhà đầu tư nước ngoài đa số vẫn đang quan sát và chờ cơ hội.

Theo đề xuất của nhóm Công tác Thị trường vốn  thì Ủy ban Chứng khoán cần nghiên cứu cho phép thực hiện giao dịch T+0, T+1 nhằm tăng sự lưu thông giữa tiền và hàng hóa, nâng cao thanh khoản của thị trường...
“Ủy ban Chứng khoán cần nghiên cứu cho phép thực hiện giao dịch T+0, T+1 nhằm tăng sự lưu thông giữa tiền và hàng hóa, nâng cao thanh khoản của thị trường,” đó là ý kiến đề xuất của nhóm Công tác Thị trường vốn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2013.

Đại diện nhóm Thị trường vốn, ông Donimic Scriven cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những dấu hiệu hồi phục từ năm 2012 đến nay, tuy nhiên sự hồi phục này chưa được đặt trên một nền tảng bền vững. Nhìn chung sức khỏe các doanh nghiệp niêm yết còn yếu, thanh khoản thị trường vẫn còn thấp, nhà đầu tư nước ngoài dù đang quan tâm trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam tuy nhiên đa số vẫn còn đang quan sát và chờ cơ hội.

Sớm cải thiện điều kiện giao dịch


Để thu hút giới đầu tư đồng thời cải thiện hoạt động giao dịch trên thị trường, nhóm nghiên cứu chỉ ra, hiện thời gian giao dịch trong một phiên đã được nới rộng nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục là một vấn đề, do tỉ lệ biên độ giao dịch hiện hành đang hạn chế sự dịch chuyển tự nhiên của giá cả.

Nhóm công tác đề xuất một giải pháp về quy định tạm dừng giao dịch trong vòng 30 phút khi có biến động giá lên (xuống) chạm mức trần (sàn) của biên độ giao dịch 7%-10% trên hai sàn hiện nay. Sau thời gian tạm dừng giao dịch 30 phút thì cổ phiếu sẽ tiếp tục được giao dịch với mức giá tham chiếu mới (là mức giá trần hoặc sàn trước khi tạm ngừng giao dịch). Tạm dừng giao dịch theo cách này sẽ giúp tái lập sự ổn định cho thị trường đồng thời giảm bớt sự hạn chế của quy định tỉ lệ biên độ giao dịch hiện hành.

Liên quan đến vấn đề thanh toán bù trừ, nhóm công tác đưa ra ý kiến đề nghị Ủy ban Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cần quy định các thành viên lưu ký phải thực hiện chuyển khoản cùng ngày nhận được chứng khoán, thời gian chênh lệch giữa việc chuyển khoản và nhận chứng khoán (trong cùng ngày) cần phải được rút ngắn nhất có thể.

Theo nhóm công tác, hiện nay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đang được chỉ định là ngân hàng thanh toán giao dịch trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, BIDV chỉ là một ngân hàng thương mại đồng thời các giao dịch thông qua BIDV cũng không được bảo hiểm, do đó cần phải chuyển vai trò ngân hàng thanh toán cho Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, quá nhiều công ty chứng khoán nhỏ và yếu sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của các hoạt động giao dịch trên thị trường. "Số lượng 105 công ty chứng khoán hoạt động trên thị trường là quá nhiều, trong thực tế chỉ 10 công ty dẫn đầu đã nắm hơn 50% thị phần, miếng bánh còn lại chia phần cho 95 công ty là rất nhỏ và không đủ để duy trì hoạt động," báo cáo của nhóm này phân tích.

Điều này khiến cho nhiều công ty chứng khoán gần như không hoạt động hay hoạt động cầm chừng, việc thua lỗ kéo dài đến mức ăn thâm vào vốn sở hữu và làm năng lực tài chính trở nên yếu kém đồng thời gây ra nguy hiểm cho nhà đầu tư khi mở tài khoản giao dịch tại những công ty này.

Vì vậy, nhóm công tác cho rằng, Ủy ban Chứng khoán cần đẩy mạnh việc tái cấu trúc, mua bán sáp nhập các công ty chứng khoán nhằm giảm số lượng công ty chứng khoán, nâng cao chất lượng, năng lực tài chính và lành mạnh hóa thị trường. Cơ quan này cũng cần tăng cường kiểm tra năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro của chứng khoán nhằm đảm bảo tính an toàn hệ thống cũng như nghiên cứu các quy định về trách nhiệm bồi thường, sự đảm bảo tài sản và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư mở tài khoản tại công ty chứng khoán trong trường hợp bị phá sản, mất thanh khoản.

“Bơm” hàng hóa chất lượng

Ông Terry Mahony-thành viên nhóm Thị trường vốn nhấn mạnh, thị trường chứng khoán rất cần những hàng hóa có chất lượng để thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Do đó, Chính phủ cần tăng tốc chương trình cổ phần hóa thông qua việc xác định một lộ trình mới với các tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu cụ thể.

Ông Terry cho rằng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không nên chỉ quan tâm nhiều đến các khía cạnh tài chính mà còn những yếu tố khác như cơ cấu lại khu vực quốc doanh mà hai ngành chủ lực cần cổ phần hóa trước mắt là viễn thông và ngân hàng. "Chìa khóa để cổ phần hóa thành công là định giá và cách duy nhất để làm được điều này là thuê tư vấn độc lập (các ngân hàng đầu tư danh tiếng) có khả năng," ông Terry Mahony nói.

Theo luật định, doanh nghiệp cổ phần hoá phải niêm yết trong vòng 12 tháng, nhưng trên thực tế quy định này không được tuân thủ triệt để. Thay mặt từ các thành viên thị trường, nhóm công tác đưa ra đề xuất Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán cần bắt buộc các doanh nghiệp phải niêm yết trong vòng một tháng sau khi cổ phần hóa.

Bên cạnh đó nhóm công tác cho rằng, một thị trường mở thực sự không nên tồn tại sự hạn chế về tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nhóm công tác khuyến nghị Chính phủ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 100% cổ phần trong các công ty Việt Nam trong các lĩnh vực, ngành phù hợp với lộ trình cam kết WTO của Việt Nam.

Song song đó, Ủy ban Chứng khoán cũng nên xây dựng một cơ chế để cho nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch cổ phiếu trong các công ty hết “room” một cách thuận lợi, minh bạch...

Ghi nhận những ý kiến đóng góp từ các thành viên trên thị trường và từ nhóm công tác Thị trường vốn, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước  cho biết, hiện Ủy ban đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Chiến lược dựa trên bốn trụ cột chính: Nâng cao chất lượng hàng hoá (bao gồm chương trình cổ phần hoá của Chính phủ); nâng cao tính minh bạch trên thị trường đối với các cổ phiếu của các công ty niêm yết; nâng cao quản trị rủi ro trong các công ty niêm yết; tái cấu trúc và tăng cường hoạt động hiệu quả của các công ty chứng khoán.

"Hiện Ủy ban Chứng khoán đang hoàn thiện Thông tư về quản trị rủi ro đối với công ty chứng khoán và Thông tư liên quan đến cảnh báo từ xa," ông Hùng cho hay.

Bên cạnh đó, Ủy Ban cũng đã cho phép hình thành các dạng quỹ đầu tư mới và xây dựng các thể chế khác như nghiên cứu đề án chuyển từ mô hình thanh toán là một ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước, kiện toàn lại trung tâm lưu ký, hình thành mô hình đối tác trung tâm để đảm bảo ngăn ngừa rủi ro cho quá trình thanh toán trên thị trường./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục