"Cần phải có cơ chế tự kiểm soát tại các DNNN"

Ngày 8/6, Chủ nhiệm Uỷ  ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đầu tiên phải từ chính nội bộ các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước, phải có cơ chế kiểm soát nội bộ tốt, sau đó là cơ chế kiểm soát của các cơ quan chức năng như kiểm toán, thanh tra.

Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước phải làm tích cực, có bước đi hợp lý, không thể làm quá nhanh, trong đó, thứ nhất là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật; phải đưa những tiêu chuẩn, nguyên tắc mà phòng được rủi ro trong đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 8/6, Chủ nhiệm Uỷ  ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đầu tiên phải từ chính nội bộ các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước, phải có cơ chế kiểm soát nội bộ tốt, sau đó là cơ chế kiểm soát của các cơ quan chức năng như kiểm toán, thanh tra.

- Những bước tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước được Chính phủ đặt ra theo lộ trình như trong bản đề án, theo ông, có đảm bảo bịt những lỗ hổng trong quản lý Nhà nước vừa qua đối với thành phần kinh tế này, cũng như phát huy đúng vai trò của nó trong nền kinh tế, đặc biệt sau những bài học lớn về Vinashin, Vinalines?

Ông Phùng Quốc Hiển: Doanh nghiệp Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng, là trọng tâm và xương sống của nền kinh tế. Vừa qua, các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn chưa thực sự hiệu quả, lợi nhuận đem lại chưa tương xứng tiềm năng, nguồn vốn được đầu tư, thậm chí chưa tương xứng với lợi thế doanh nghiệp Nhà nước có.

Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước phải làm tích cực, có bước đi hợp lý, không thể làm quá nhanh, trong đó, thứ nhất là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật; phải đưa những tiêu chuẩn, nguyên tắc mà phòng được rủi ro trong đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước.

Nợ của các doanh nghiệp so với vốn của chủ sở hữu là bao nhiêu? Đến bao nhiêu phải báo động? hay nợ ngắn hạn so với tổng tài sản là bao nhiêu? hoặc nợ dài hạn so với tổng tài sản là bao nhiêu?... Tất cả những con số đó đều đưa ra một bộ quy tắc để từ đó đánh giá được tình hình của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chúng ta phải tăng cường cơ chế quản lý. Trước đây, có giai đoạn có bộ máy chuyên môn quản lý như Bộ Tài chính có Tổng cục quản lý tài chính doanh nghiệp, nhưng sau đó bỏ đi, chỉ còn lại cục. Một số nước đã có bộ máy quản lý các doanh nghiệp này, chúng ta nên học kinh nghiệm của các nước.

Bản thân các doanh nghiệp Nhà nước phải bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Bây giờ không có ưu đãi, chẳng qua giờ họ có lợi thế từ trước, lợi thế về vốn, vị trí, thương hiệu, lực lượng lao động, có từ trước và lẽ ra họ phải phát huy được những lợi thế này.

- Ông đề cập vai trò quản lý, vậy thì vai trò của các ban kiểm soát trong các tổng công ty doanh nghiệp Nhà nước được đặt ra như thế nào, phải chăng thời gian qua chưa rõ ràng, rành mạch về quản lý nên dẫn đến các doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả?

Ông Phùng Quốc Hiển: Các tập đoàn kinh tế đều có ban kiểm soát. Nhưng vấn đề đặt ra là ban kiểm soát đó có làm mạnh không, có thực sự tương đối độc lập so với quyết định của hội đồng quản trị và ban lãnh đạo, giám đốc không? Chúng ta cũng vẫn có cơ chế như tự kiểm toán, nhưng có thể các doanh nghiệp coi nhẹ. Cho nên đầu tiên phải tự mình kiểm tra mình trước, thay vì đợi các cơ quan khác vào. Vừa qua, các doanh nghiệp có nhiều sai lệch chứng tỏ ban kiểm soát hoặc công tác kiểm toán nội bộ làm chưa tốt.

- Vậy theo ông đổi mới phục vụ tái cơ cấu thì khâu nào, giải pháp nào nên tập trung trước?

Ông Phùng Quốc Hiển: Phải thực hiện những giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, theo tôi, đầu tiên phải từ chính nội bộ các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước. Họ phải có cơ chế kiểm soát nội bộ tốt, sau đó là cơ chế kiểm soát của các cơ quan chức năng như kiểm toán, thanh tra.

- Thưa ông, quy mô đầu tư công tiếp tục tăng lên trong những năm qua nhưng thời điểm hiện tại chưa có đạo luật cụ thể chính thức nào để có thể điều chỉnh hoạt động này hiệu quả?


Ông Phùng Quốc Hiển: Đúng là vấn đề đang đặt ra như thế, bởi vừa qua đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức đầu tư của toàn xã hội, nhưng xu thế phải giảm dần đi. Đấy là điều chắc chắn. Đầu tư công sẽ tập trung hơn, đi vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không thể tham gia như đầu tư vào hàng hóa công cộng mà các thành phần kinh tế không thể tham gia.

Đầu tư công cũng phải tính toán hiệu quả, đồng thời mang tính chất xúc tác, ví dụ như đi vào vùng sâu vùng xa để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giúp cho các vùng kinh tế kém phát triển đi lên.

Chúng ta đã có những luật như Luật ngân sách, Luật đầu tư, Luật xây dựng, Luật đô thị... nhưng nên có Luật đầu tư công để điều chỉnh những khoản đầu tư của Nhà nước vào các lĩnh vực; luật sẽ đưa ra những nguyên tắc, tiêu chí để đánh giá hiệu quả các dự án.

Nhiều khi chúng ta cứ đầu tư nhưng không đánh giá, vậy hiệu quả sẽ đem lại là gì sau khi đầu tư. Tôi nghĩ Luật đầu tư công phải đưa ra được những vấn đề như thế. Tôi được biết, hiện Chính phủ đã bắt đầu nghiên cứu rồi, tuy nhiên là do đây là đạo luật tương đối khó nên nhiều lần đưa ra rồi nhưng lại hoãn để tiếp tục nghiên cứu thêm. Theo tôi nên sớm có Luật này.

Ngoài ra, có thể còn có đạo luật mua sắm công. Bây giờ chúng ta mua sắm công nhiều, lượng tiền rất lớn nhưng chưa có đạo luật nào điều chỉnh chi tiết, dù có luật liên quan. Trong đó, luật đầu tư công hay mua sắm công phải tính tới điều quan trọng nhất là đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước như thế nào thì phải tính. Có ý kiến cho rằng phải có chương riêng, thậm chí phải có đạo luật riêng. Điều đó là rất cần thiết.

- Theo ông, ngân sách phục vụ cho đề án tái cơ cấu sẽ được lấy từ những nguồn nào?

Ông Phùng Quốc Hiển: Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, dân cư để đưa vào quá trình tái cơ cấu. Ngoài ra là từ các kênh tín dụng trong nước và nước ngoài. Chúng ta phải vốn hóa xây dựng được thị trường tài chính trong đó chứng khoán rất quan trọng.

Bên cạnh đó là nguồn lực từ ngân sách, phải xây dựng được chiến lược về tài chính trong đó có quy hoạch trung hạn, dài hạn. Chúng ta cũng có thể đưa ra được từ mức thấp đến mức cao của các kế hoạch thu chi ngân sách./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục