Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật cứu sống một bệnh nhân bị áp xe trung thất nguy kịch.
Nam bệnh nhân Mai Qương (sinh năm 1960, trú tại Trần Đề, Sóc Trăng) nhập viện ngày 5/9 trong tình trạng sưng đau vùng cổ 2 bên, lan xuống ngực. Bệnh nhân có nhiều biểu hiện cấp cứu suy hô hấp, nhiễm trùng nhiễm độc, cổ bạnh ra do tràn khí dưới da.
Nhận định đây là trường hợp bị áp xe cổ-áp xe trung thất, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã cho chụp CT scaner ngực có cản quang.
Kết quả cho thấy bệnh nhân bị tổn thương tụ dịch, khí vùng cổ đi từ xương móng, lan đến thất trước, khả năng áp xe vùng cổ; tràn dịch màng tim; tổn thương phế nang kèm xơ hóa đỉnh phổi phải, khả năng viêm; tràn dịch màng phổi hai bên.
Kết quả siêu âm tràn dịch màng phổi 2 bên lượng ít. Bệnh nhân được chẩn đoán áp xe cổ lan xuống trung thất, tràn dịch màng tim, tiên lượng rất nặng.
Xác định đây là một cấp cứu ngoại khoa, êkíp các bác sỹ liên khoa: Ngoại Lồng ngực- Mạch máu, Gây mê hồi sức đã quyết định phẫu thuật cấp cứu làm sạch áp xe cổ qua đường mở ngực trái.
[Phẫu thuật cắt khối u lá lách ''khủng'' có trọng lượng 5kg]
Bệnh nhân được mở đường ngực trước bên liên sườn IV bên trái vào khoang màng phổi, phát hiện có dịch đục trong khoang màng phổi, trung thất trước bóc tách vào ổ áp xe, có nhiều dịch mủ đục, màng ngoài tim cũng có nhiều dịch mủ.
Các bác sỹ đã tiến hành rửa sạch các ổ dịch và đặt 2 ống dẫn lưu màng phổi trái và 2 ống dẫn lưu màng phổi phải để theo dõi, đồng thời chăm sóc bơm rửa khoang màng phổi liên tục.
Theo bác sỹ Chuyên khoa II Trần Huỳnh Đào, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, đây là bệnh cảnh rất nặng kết hợp bệnh nội khoa tim mạch.
Kết quả nuôi cấy vi khuẩn trên dịch mủ ghi nhận bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Acinetobacter Baumannii - chủng vi khuẩn đa kháng thuốc nên mặc dù được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, bệnh nhân vẫn rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng do đến muộn, khả năng cứu chữa thành công thấp, dự kiến thời gian hồi sức kéo dài.
Bệnh nhân phù toàn thân, đạm máu giảm liên tục, sốt cao do tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nghiêm trọng. Các bác sỹ đã hội chẩn thay đổi kháng sinh đặc trị phù hợp đồng thời kết hợp thuốc an thần, giãn cơ, nâng đỡ thể trạng cho bệnh nhân.
Ngày 16/9, sau 11 ngày được điều trị và chăm sóc tích cực tại Khoa Gây mê hồi sức, bệnh nhân hồi phục tốt, hết sốt, tỉnh táo, ngưng thở máy, da niêm hồng, dấu hiệu sinh tồn ổn định, được chuyển đến Khoa Ngoại Lồng ngực-Mạch máu theo dõi, điều trị và chăm sóc.
Bác sỹ Liêu Vĩnh Đạt, Khoa Ngoại Lồng ngực-Mạch máu cho biết áp xe trung thất là một thể nhiễm trùng nặng, hậu quả của thủng thực quản do tai biến nuốt phải dị vật, sau soi thực quản hay bệnh lý vùng hầu họng như bệnh lý răng miệng (nhổ răng, viêm tấy sàn miệng lan tỏa) nhưng phát hiện muộn gây thủng làm viêm lan tỏa vào trung thất, hoặc sau phẫu thuật vùng ngực như mổ tim mở gây viêm xương ức lan tỏa vào vùng trung thất.
Mặc dù có những tiến bộ về chẩn đoán, điều trị phẫu thuật, thuốc kháng sinh... nhưng tỷ lệ áp xe trung thất gây tử vong còn rất cao, lên tới 47% do nhiễm trùng lan rộng. Biến chứng chảy máu hoặc ổ mủ vỡ vào quai động mạch chủ ở phần ngực, gây nhiễm trùng nhiễm độc nặng, mủ lan tỏa trong trung thất, hay vỡ vào màng tim, phổi và màng phổi... rất khó dẫn lưu và làm sạch hết dịch mủ.
Áp xe trung thất có thể phòng tránh được nếu bệnh nhân đến khám sớm ngay từ lúc xảy ra các tai biến. Trong trường hợp đã có dấu hiệu biến chứng áp xe trung thất, cần chuyển người bệnh đến các trung tâm y tế lớn để xử trí phẫu thuật./.