Tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) vào mỗi dịp trước và sau Tết Nguyên đán đã trở thành bài toán khá nhức nhối nhiều năm qua chưa có lời giải, mà nguyên nhân phần nhiều thuộc về chính đối tượng chịu thiệt hại là doanh nghiệp.
Mỗi khi hàng không thể bán sang Trung Quốc, cũng không thể mang về, doanh nghiệp xuất khẩu trong cảnh ăn chực nằm chờ để... đổ đi nhiều tấn thanh long, dưa hấu, chuối....kèm theo sự thiệt hại đáng kể về tiền của, công sức.
Tân Thanh là cửa ngõ chính để hàng hóa Việt Nam, nhất là nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ở đây còn nhiều hạn chế, trong khi nông sản theo mùa vụ thu hoạch lại dồn về với số lượng lớn cùng một thời điểm nên dễ gây ách tắc.
Trong khi nguyên nhân khách quan về cơ sở hạ tầng này chưa thể khắc phục một sớm một chiều thì doanh nghiệp xuất khẩu lại không có cách tính toán căn cơ, vẫn giữ tư duy kinh doanh theo kiểu mùa vụ và lại gánh chịu thiệt hại.
"Đành rằng cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu nhưng cách làm của doanh nghiệp chúng ta vẫn không căn cơ, cứ mang hàng lên rồi cố liên hệ với phía đối tác bên kia để đưa bán và nếu bán không được thì lại tìm cách vứt bỏ,” ông Bùi Huy Sơn, Vụ Trưởng Vụ Châu Á Thái Bình Dương, Bộ Công thương nhận xét.
Ông Sơn cho biết thêm, về phía đối tác, họ cũng không đặt thêm các quy định để "làm khó" các doanh nghiệp xuất khẩu vào thời vụ cao điểm thu hoạch, thế nhưng hàng của ta vẫn ách lại ở cửa khẩu.
Làm rõ hơn điều này, ông Sơn giải thích, trong thương mại quốc tế, mục tiêu chung của các nước là làm sao cho thủ tục và qui trình lưu thông hàng hóa dịch vụ càng đơn giản, thuận tiện càng tốt nhằm mục đích hỗ trợ cho doanh nghiệp hai bên. Mong muốn này thể hiện qua các cam kết, qui định cụ thể về qui trình thủ tục xuất nhập khẩu về nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, điều kiện thanh toán, vận tải...
Về tình trạng ùn ứ hàng ở cửa khẩu Tân Thanh hàng năm, ông Sơn nhấn mạnh: "Không phải các cơ quan chức năng không biết hay làm ngơ."
Chính phủ đã chính thức đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ bằng cách tăng thêm các cửa khẩu để tiếp nhận các nhóm hàng có khả năng tăng đột biến về số lượng, tạo nhiều kênh khác nhau để nhận hàng vào lúc cao điểm, hỗ trợ ta về cơ sở hạ tầng…
Về lâu dài, các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng xung quanh các cửa khẩu ở Lào Cai, Lạng Sơn…cũng đang được xúc tiến.
Gần đây nhất là khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng với một dự án rất lớn cải thiện cơ sở hạ tầng, kho bến bãi đáp ứng hàng, duy trì sự ổn định trong cung cấp hàng một thời gian dài.
Hơn nữa, thủ tục hải quan điện tử cũng được hỗ trợ một cách tối đa để giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng đưa hàng qua biên giới.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng ách tắc này, Bộ Công thương vẫn khuyến cáo doanh nghiệp nên thiết lập mối quan hệ ổn định vững chắc với bạn hàng Trung Quốc để tiêu thụ sản phẩm có kế hoạch, không nên xuất khẩu bằng mọi giá./.