​Cần xác định đúng trọng tâm, trọng điểm trong phòng chống dịch

Trong ngày 11/7, Việt Nam ghi nhận 1.953 ca mắc mới, Thành phố Hồ Chí Minh nhiều nhất với 1.397 ca, trong khi 7 ca tử vong đa phần đều là bệnh nhân có bệnh lý nền nặng.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong ngày 11/7, Việt Nam ghi nhận 1.953 ca mắc mới, gồm 8 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Kiên Giang, Khánh Hòa (mỗi tỉnh 2 ca), An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Ninh Bình (mỗi địa phương 1 ca).

Trong nước ghi nhận 1.945 ca mắc mới, tại Thành phố Hồ Chí Minh (1.397 ca), Bình Dương (234 ca), Đồng Tháp (50 ca), Tiền Giang, Long An (mỗi địa phương 46 ca), Vĩnh Long (43 ca), Phú Yên (36 ca), Bắc Giang (13 ca), Bắc Ninh (10 ca), Hậu Giang (9 ca), Bến Tre, An Giang, Hà Nội (mỗi địa phương 7 ca), Đà Nẵng (6 ca), Ninh Thuận (4 ca), Hưng Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sóc Trăng (mỗi địa phương 3 ca), Bình Phước, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Bình Định, Lâm Đồng, Trà Vinh, Quảng Ngãi (mỗi địa phương 2 ca), Cà Mau, Quảng Nam, Bạc Liêu, Đắk Nông, Hải Phòng, Thanh Hoá, Cần Thơ (mỗi địa phương 1 ca); trong đó 1.361 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Trong ngày ghi nhận 7 ca tử vong, đa phần đều là bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, tại Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh. Đến tối 11/7, nước ta đã ghi nhận 119 ca tử vong do liên quan đến COVID-19.

Các địa phương cần quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh

Trong ngày 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với một số địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Thành phố tiếp tục quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn trong việc thực hiện Chỉ thị 16, xác định có trọng tâm, trọng điểm, đúng chỗ; ưu tiên các giải pháp cho phòng, chống dịch để ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, đưa Thành phố trở lại trạng thái bình thường để phát triển kinh tế, xã hội.

Thành phố phải đặt tính mạng và tài sản nhân dân lên trên hết, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm cần thiết, hạn chế tối thiểu các ca tử vong, tổ chức tiếp cận vaccine phòng COVID-19 bình đẳng với mọi người dân, không để xảy ra tiêu cực khi thực hiện Chỉ thị 16.

Về vấn đề vaccine, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thành phố tiêm vaccine an toàn hiệu quả, đúng tiến độ. Từ nay đến cuối tháng 7/2021 sẽ có ít nhất có 2 triệu liều vaccine cho Thành phố, Chính phủ sẽ ưu tiên 25% tổng số liều vaccine cho Thành phố.

​Cần xác định đúng trọng tâm, trọng điểm trong phòng chống dịch ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính xem bản đồ Khu tái định cư 38,4 ha, Chung cư R1, R2, R3, phường An Khánh, thành phố Thủ Đức chuẩn bị thành lập bệnh viện dã chiến. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Sắp tới, Thành phố xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm về tổ chức xét nghiệm, điều trị, tiêm vaccine, bảo đảm vừa cách ly, vừa sản xuất và hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Làm việc với Tây Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tây Ninh đang có nguy cơ rất cao bởi là tỉnh giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây, nơi tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp; đồng thời là địa bàn tiếp giáp với Campuchia. Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng và uy hiếp đến sự phát triển của Tây Ninh rất lớn.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý Tây Ninh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; cũng không được hốt hoảng, mất bình tĩnh, mất kiên định, thiếu bản lĩnh khi tình hình diễn ra xấu hơn.

[Thủ tướng làm việc với lãnh đạo TP.HCM về công tác phòng, chống dịch]

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tây Ninh quyết tâm hơn nữa để đẩy lùi bệnh dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng, vào nhà máy, xí nghiệp. Do đó, Tây Ninh cần phải kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, khu cách ly, khu phong tỏa, khu giãn cách, người về từ vùng dịch.

Riêng trong nhà máy, xí nghiệp, nơi sản xuất... nếu cần là phải thực hiện 3 tại chỗ (làm việc, sản xuất tại chỗ, ăn ở tại chỗ và chống dịch tại chỗ). Nếu nơi nào không an toàn thì không sản xuất, tập trung cho chống dịch.

Tỉnh Tây Ninh cũng cần thực hiện ngay việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng, người mất việc làm, người yếu thế, những người lao động tự do theo Nghị quyết 68/NQ-CP (về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch COVID-19).

Thành phố Hồ Chí Minh đang đi đúng hướng trong phòng, chống dịch

Sau 2 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và những giải pháp lớn do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất, thành phố đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch. Tình hình mới cần có những giải pháp mới hoặc cách làm mới trên giải pháp cũ theo phương châm "rõ-nghiêm-chắc-hiệu quả."

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc giao ban trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì, sáng 11/7, tại Trụ sở Chính phủ. Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tham dự cuộc họp.

​Cần xác định đúng trọng tâm, trọng điểm trong phòng chống dịch ảnh 2Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đến nay, thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nghiêm, nhanh chóng vào nề nếp, mặc dù không thể tránh khỏi một số hạn chế do đây là địa bàn có đông dân cư.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu lớn nhất sau thời gian giãn cách xã hội, thành phố phải xác lập được những quận/huyện, phường/xã an toàn; đẩy lùi dần “giặc COVID-19” vào những khu nhỏ để thành phố cơ bản quay lại cuộc sống bình thường mới. Vì thế, tất cả các công tác, đặc biệt việc điều tra dịch tễ, xét nghiệm phải nhanh, chắc chắn.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương đánh giá lại công tác theo dõi sức khỏe, điều trị F0 không có triệu chứng để có sự điều chỉnh phù hợp; tiếp tục triển khai cách ly F1 tại nhà an toàn.

Trong ngày 11/7, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 1.397 ca bệnh COVID-19 mới. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa ký quyết định thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh.

[Việt Nam ghi nhận 1.953 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 11/7]

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các cơ sở y tế về dự kiến triển khai kế hoạch chiến dịch tiêm chủng đợt 5 vaccine phòng COVID-19 với số lượng dự kiến 1,1 triệu liều vaccine, tiến hành trong 2-3 tuần.

Dự kiến, trong tháng 7/2021, thành phố sẽ nhận được 1 triệu liều vaccine từ nguồn tài trợ của Hoa Kỳ theo cơ chế COVAX và 100.000 liều AstraZeneca từ nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Tổng cộng sẽ có khoảng 1,1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 dành cho thành phố.

Chiến dịch tiêm với 1,1 triệu liều được thực hiện trong vòng 2-3 tuần tại 312 phường, xã, thị trấn. Mỗi địa phương tối thiểu sẽ tổ chức 2 điểm tiêm chủng, như vậy thành phố có ít nhất 624 điểm tiêm, hoạt động từ 8 giờ đến 20 giờ mỗi ngày với mục tiêu 1 điểm tiêm chủng tiêm cho 120 người/ngày. Thành phố cũng chỉ định 1 số bệnh viện đủ điều kiện tiêm chủng để tiêm cho các đối tượng mắc bệnh mạn tính và có nguy cơ.

Trước đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai 4 đợt tiêm chủng với tổng số lượt người đã được tiêm là 991.322 người, trong đó có 943.215 người tiêm mũi 1 và 48.107 được tiêm đủ cả 2 mũi vaccine.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Quận 7 đề nghị Hepza và Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Thuận thông báo đến 29 doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận có các trường hợp công nhân nghi nhiễm SARS-CoV-2 tạm thời phong tỏa cách ly y tế để kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, xem xét đề nghị tạm ngưng hoạt động sản xuất đối với 29 doanh nghiệp này và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, đến thời điểm hiện tại có hơn 1.800 trường hợp công đoàn viên, người lao động mắc COVID-19; gần 10.000 trường hợp F1 và gần 15.000 trường hợp F2. Đồng thời, có 6 nhà máy với tổng cộng hơn 36.000 công nhân đã tạm ngừng sản xuất do phát hiện ca mắc COVID-19.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 1,6 triệu công nhân và lao động, trong đó 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao có tổng cộng hơn 320.000 công nhân lao động.

Tính từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay có khoảng 38 doanh nghiệp trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp ở khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), Tân Phú Trung (Củ Chi), Tân Thuận (quận 7)... phát hiện nhiều ca mắc COVID-19.

Trong ngày 11/7, Công ty Điện lực Hóc Môn và Bình Chánh thuộc EVN HCMC đã hoàn thành cấp điện ưu tiên cho các bệnh viện dã chiến mới tại huyện Hóc Môn và Bình Chánh.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục