Căng thẳng giữa EU và Ba Lan có tiềm ẩn Polexit?

Xung đột chính trị và pháp lý nghiêm trọng giữa Warsaw và EU là đỉnh điểm của sáu năm căng thẳng, khiêu khích, cảnh báo và kêu gọi đi theo khuôn khổ.
Căng thẳng giữa EU và Ba Lan có tiềm ẩn Polexit? ảnh 1(Nguồn: Getty Images)

Phán quyết do Tòa án Hiến pháp Ba Lan đưa ra hôm 7/10 tuyên bố các phần của Hiệp ước châu Âu không phù hợp với luật tối cao của Ba Lan là một đòn tấn công trực diện vào nguyên tắc của luật pháp châu Âu và Tòa án Công lý châu Âu (CJEU) có trụ sở tại Luxembourg và trở thành chủ đề của báo chí Bỉ trong những ngày qua.

Xung đột chính trị và pháp lý nghiêm trọng giữa Warsaw và EU là đỉnh điểm của sáu năm căng thẳng, khiêu khích, cảnh báo và kêu gọi đi theo khuôn khổ.

Giữa Ba Lan và các tổ chức của Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là giữa Ủy ban châu Âu (EC) và CJEU, mối quan hệ đã bùng cháy kể từ ngày đầu tiên, khi đảng Pháp luật và Công lý Ba Lan (PiS) cực kỳ bảo thủ lên nắm quyền.

Vào mùa Hè năm 2015, đảng do cựu Thủ tướng Jaroslaw Kaczynski lãnh đạo đã đưa một trong những thành viên của họ, Andrzej Duda, làm Tổng thống đất nước, trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng Mười.

Trở lại nắm quyền, PiS đi theo con đường phi tự do được vạch ra bởi Tổng thống Hungary Viktor Orban, và đã thực hiện một số cải cách đối với cơ quan tư pháp.

Xung đột thường kỳ

Là người bảo vệ các hiệp ước, EC đã mở bốn thủ tục vi phạm chống lại Ba Lan, sau đó chuyển lên CJEU, vì những cải cách lập pháp gây nguy hiểm cho tính độc lập của hệ thống tư pháp Ba Lan.

Sau các phán quyết của Tòa án trong các vụ việc liên quan đến việc cải cách các khu vực tài phán của các quyền chung và của Tòa án tối cao, các thẩm phán có thể bị ngưng chức và bị Tòa án tối cao Ba Lan hủy quyền đặc miễn.

Vào ngày 14/7 vừa qua, CJEU đã ra lệnh cho Ba Lan đình chỉ ngay các hoạt động của Phòng Kỷ luật của Tòa án tối cao, một cơ quan được thành lập trong khuôn khổ công cuộc cải cách hệ thống tư pháp Ba Lan và không đáp ứng theo luật pháp châu Âu.

[Ba Lan sẽ hủy bỏ cơ chế kỷ luật thẩm phán gây tranh cãi trong EU]

Cơ quan này chịu trách nhiệm giám sát các thẩm phán, có quyền bãi bỏ quyền miễn trừ của họ, để truy tố hình sự hoặc giảm lương của họ. CJEU đã ra phán quyết, theo đó Phòng kỷ luật của Tòa án tối cao “không đưa ra đủ các đảm bảo về tính vô tư và độc lập” và “không tránh được các ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ hai ngành lập pháp và hành pháp.”

Tòa án hiến pháp, có các thành viên thuộc PiS, đã quyết định công khai thách thức thẩm quyền của các thẩm phán của Luxembourg, bằng cách tuyên bố quyết định của họ không phù hợp với Hiến pháp Ba Lan. Thủ tướng Mateusz Morawiecki sau đó đã đệ trình một kiến nghị trước Tòa án này để họ nghiên cứu sự tương thích của các hiệp ước châu Âu với Hiến pháp Ba Lan. Kết quả là một quyết định làm lung lay nền tảng của EU, phản đối trật tự pháp lý của châu Âu.

Polexit không phải là một mục tiêu

Chính xác thì Ba Lan đang cố gắng đạt được điều gì khi đẩy cuộc đối đầu đi quá xa? Ở Brussels và các thủ đô của EU, mọi người đang bị chìm trong những suy đoán về chủ đề này. Người ta chỉ ra rằng các sự kiện gần đây phù hợp với thực tế chính trị nội bộ.

Phần lớn chính phủ, do PiS thống trị, không ổn định. Để duy trì chính mình, họ cần sự hỗ trợ của một đảng nhỏ do Bộ trưởng Tư pháp Zbigniew Ziobro đứng đầu, người đặc biệt quan tâm đến cuộc chiến với EU.

Một nguồn tin châu Âu nhắc lại việc đưa công lý vào tròng "là nỗi ám ảnh của Kaczynski," người muốn kiểm soát tất cả các đòn bẩy quyền lực, thậm chí "đốt cháy các con tàu," để đảm bảo không quay lại phía sau.

Chắc chắn không đến mức Ba Lan phải rời bỏ EU. Trên kênh truyền hình BFM-TV, Ngoại trưởng Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu Clément Beaune cho rằng phán quyết của CJEU gây ra "nguy cơ Ba Lan rơi khỏi EU."

Tuy nhiên, Warsaw phủ nhận việc họ muốn đi theo con đường giống như Vương quốc Anh. Ông Morawiecki khẳng định: "Việc Ba Lan và các nước Trung Âu gia nhập EU là một trong những điểm nổi bật của những thập kỷ qua. Không chỉ đối với chúng tôi, mà còn đối với chính EU."

Chính phủ Ba Lan hoàn toàn nhận thức được rằng triển vọng của Polexit chỉ được một phần nhỏ dân số ủng hộ, còn phần lớn người dân hậu thuẫn cho tư cách thành viên EU của Ba Lan và lợi ích kinh tế của đất nước.

Tiền bạc, công cụ thuyết phục chính

Tuy nhiên, Warsaw có thể phải trả giá cho sự cố gắng ngang ngược và tốn kém của mình. "Họ có nhận ra rằng bây giờ sẽ rất phức tạp để EC phê duyệt kế hoạch khôi phục Ba Lan không?" một nguồn tin châu Âu khác đặt câu hỏi.

Trong số 750 tỷ euro của kế hoạch phục hồi châu Âu, 23,9 tỷ euro viện trợ trực tiếp và 12,1 tỷ cho vay là dành cho Ba Lan. Miễn là họ tuân thủ một số khuyến nghị cụ thể thỏa đáng, bao gồm cả khuyến nghị liên quan đến tính độc lập của cơ quan tư pháp.

Nhà nghiên cứu Daniel Hegedüs, chuyên gia về chính sách của các nước Trung và Đông Âu tại Quỹ Marshall của Đức lập luận:"Cần lưu ý rằng Tòa án Hiến pháp Ba Lan hoàn toàn tuân theo lệnh của chính phủ và để có hiệu lực phán quyết của mình phải được công bố trên công báo. Bằng cách trì hoãn việc công bố này, tôi tin rằng mục tiêu chính của chính phủ sẽ sử dụng phán quyết này như một con bài mặc cả trong bối cảnh các cuộc thảo luận về gói kích thích của Ba Lan, việc phê duyệt gói kích thích kinh tế này đã bị EC đình chỉ. Đây là lời giải thích thực tế duy nhất theo quan điểm của tôi. Nhưng tôi không nghĩ rằng điều này có thể quay sang có lợi cho Ba Lan."

Và ngay cả khi EC "bật đèn xanh", người ta có thể hoài nghi rằng trong Hội đồng châu Âu, đa số các quốc gia thành viên sẽ chấp thuận việc giải ngân vốn.

Tuần trước, Thủ tướng Morawiecki ám chỉ Ba Lan có thể làm được mà không cần số tiền này. Trên thực tế, mặc dù PiS giữ được một phần cử tri nhờ các chính sách xã hội của mình, thì vẫn cần số tiền này như cần bánh mì. Và Ba Lancó thể mất nhiều hơn từ kế hoạch phục hồi.

Tại Nghị viện châu Âu (EP), các nhóm chính trị ủng hộ hội nhập châu Âu đã lớn tiếng kêu gọi đình chỉ các quỹ châu Âu cho Ba Lan, điều này có thể thực hiện trong khuôn khổ việc kích hoạt cơ chế điều kiện ngân sách.

"Chỉ có một thứ có khả năng khiến họ thành công, và đó là tiền," một trong những nguồn tin châu Âu khẳng định. Và để nhớ lại rằng năm khu vực của Ba Lan đã từng tuyên bố chống LGBT (quyền đồng tính nam, nữ và đồng giới) và đã phải rút lại nghị quyết này khi mối đe dọa mất quỹ tài trợ châu Âu trở nên cụ thể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục