Căng thẳng ở Pháp vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt

Tại Pháp, các nghiệp đoàn kêu gọi người lao động tiếp tục đấu tranh, còn chính phủ không thay đổi kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí.
Cho đến nay tình hình căng thẳng ở Pháp chưa thấy có dấu hiệu sớm chấm dứt khi các nghiệp đoàn vẫn kêu gọi người lao động tiếp tục đấu tranh, còn chính phủ kiên quyết thúc đẩy thông qua kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí.

Ngày 21/10, một ngày trước khi Thượng viện Pháp thông qua kế hoạch cải cách do chính phủ đề xướng, sáu tổ chức công đoàn lớn ở nước này đã kêu gọi người lao động tiếp tục tham gia hai "ngày hành động toàn quốc" vào ngày 28/10 và 6/11, nhằm gây sức ép với chính phủ xung quanh kế hoạch gây tranh cãi nói trên.

Trong một tuyên bố được phát trên đài phát thanh RMC, Tổng thư ký Tổng liên đoàn lao động CGT (tổ chức công đoàn lớn nhất ở Pháp), Bernard Thibault, cho biết các tổ chức công đoàn lớn ở Pháp khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh nếu chính phủ không có những nhân nhượng với người lao động.

Trong khi đó, Chính phủ Pháp vẫn tỏ rõ thái độ kiên quyết thúc đẩy để kế hoạch cải cách thành hiện thực. Chính phủ khẳng định đó là một biện pháp "chìa khóa" để có thể bảo đảm hệ thống lương hưu tồn tại lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh những khó khăn tài chính hiện nay của nước Pháp.

Phát biểu với các quan chức địa phương trong chuyến công du miền Trung nước Pháp ngày 21/10, Tổng thống Nicolas Sarkozy tuyên bố sẽ "trừng phạt" những phần tử lợi dụng biểu tình để gây bạo loạn và phản đối việc tiến hành bãi công làm ảnh hưởng đến kinh tế cũng như các hoạt động đời sống ở Pháp.

Lời tuyên bố này của ông Sarkozy được đưa ra trong khi làn sóng bãi công và biểu tình vẫn diễn ra rầm rộ ở nhiều thành phố và địa phương. Công nhân và sinh viên tiếp tục chặn các điểm cung cấp nhiên liệu và các trung tâm giao thông tại các thành phố lớn.

Tại Lyon và Marseilles, nhiều thanh niên còn gây náo loạn, ném đá vào xe cộ qua đường. Ở Marseilles, cảnh sát đã phải can thiệp để giải tỏa sân bay chính sau khi hàng trăm công nhân lọc dầu biểu tình tràn vào. Các binh sỹ cũng được triển khai để dọn sạch đường phố tại thành phố cảng ở Địa Trung Hải này.

Nhiều kho và trạm cung cấp xăng dầu bị cạn kiệt do thiếu nguồn cung. Một số nhà máy lọc dầu bị người biểu tình phong tỏa và công nhân bãi công trong nhiều ngày qua đã gây thiếu xăng dầu nghiêm trọng, ảnh hưởng đến những hoạt động kinh tế và đời sống, đặc biệt là hoạt động giao thông vận tải.

Ngày 21/10, nhà chức trách ở một số địa phương đã phải sử dụng biện pháp "phân bổ chỉ tiêu" cung cấp xăng dầu cho các xe tải và xe ôtô con.

Thượng viện Pháp ban đầu dự kiến biểu quyết về dự luật trên trong ngày 21/10, song các cuộc tranh luận nảy lửa vẫn tiếp tục. Đảng Xã hội đối lập phản đối cải cách hưu trí và các quan sát viên nói cuộc tranh luận có thể kéo dài sang ngày 22/10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục