Căng thẳng "tràn ly"

Căng thẳng tiền tệ châu Á "tràn ly" khi USD giảm

Khi USD giảm mạnh, người ta lo ngại cuộc chiến thương mại đang âm ỉ và cuộc chiến này không thông qua thuế xuất khẩu mà qua tiền tệ.
Trong bối cảnh nhiều giá trị các đồng tiền châu Á đứng ở mức cao gây thiệt hại không nhỏ cho xuất khẩu, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực bắt đầu can thiệp nhằm duy trì tỷ giá ngoại hối ở mức cạnh tranh, đặc biệt khi Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ đồng Nhân dân tệ (NDT).

Nhiều người lo ngại cuộc chiến thương mại đang âm ỉ và cuộc chiến này không thông qua thuế xuất khẩu mà qua tiền tệ.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Dominique Strauss-Kahn, và Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega cũng đã cảnh báo rằng cuộc chiến tiền tệ đang trong giai đoạn "ủ bệnh," do các nước đang nỗ lực ngăn chặn tiền tệ lên giá để duy trì sức cạnh tranh cho xuất khẩu.

Tại Mỹ, việc lãi suất ở mức thấp kỷ lục đã kéo đồng USD xuống thấp. Do Trung Quốc có thể cố định đồng NDT với đồng USD một cách hiệu quả, ngay cả sau khi nước này cam kết đưa ra một tỷ giá linh hoạt hơn, nên đồng USD yếu đang ảnh hưởng bất lợi đến các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc trên toàn châu Á.

Sau khi đồng yen vọt lên mức cao nhất trong 15 năm qua so với đồng USD, chính phủ Nhật Bản hồi tháng Chín vừa qua đã quyết định can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối lần đầu tiên trong sáu năm qua bằng cách mua đồng USD để "hạ nhiệt" đồng yen.

Chính phủ nước này cũng sẽ theo chân Cục Dự trữ Liên bang Mỹ mua trái phiếu chính phủ và các tài sản khác để hạ lãi suất ở Nhật Bản. Đây cũng là một cách để giảm giá đồng yen.

Đồng tiền của những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhưng được kiểm soát thiếu chặt chẽ hơn Trung Quốc sẽ chịu sức ép tăng giá. Đồng baht Thái Lan hiện giao dịch ở mức cao nhất trong 13 năm qua so với đồng USD, trong khi các đồng nội tệ của Indonesia, Singapore, Philippines và Malaysia trong năm nay đều tăng trên 5% so với USD.

Nhà kinh tế chủ chốt Ajit Ranade thuộc tập đoàn Aditya Birla ở Mumbai lưu ý: "Nếu bạn rơi vào một cuộc chiến tiền tệ và bạn nằm trong số ít nước không giảm đồng nội tệ, trên thực tế bạn sẽ rất khó khăn. Trong tình hình này, cũng không thể có một kết cục toàn thắng cho bất kỳ nước nào giảm giá tiền tệ, do vậy cần có sự phối hợp đối phó với tình hình này."

Trên thực tế điều này vẫn chưa xảy ra. Nhiều nước và lãnh thổ đang can thiệp một cách lặng lẽ và đơn phương vào các thị trường ngoại hối và một số nước khác đang chơi trò kiểm soát vốn giống như Thái Lan và Malaysia đã làm trước đây để ngăn chặn xu hướng tiền tệ lên giá.

Theo các nhà phân tích thuộc Citigroup, Nomura và UBS, các nước và lãnh thổ như Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Đài Loan đều đang mua vào đồng USD. Indonesia hồi tháng 7/2010 đã áp đặt thời hạn tối thiểu đối với đầu tư nước ngoài vào nợ chính phủ ngắn hạn nhằm ngăn chặn đầu tư vốn, nhưng các nhà phân tích Nomura cảnh báo bước đi này mang lại "rủi ro tương đối cao."

Đài Loan và Thái Lan dự định sẽ đưa ra biện pháp kiểm soát vốn tối thiểu tương tự. Đồng baht Thái Lan ngày 11/10 giảm nhẹ trước tin chính phủ nước này đang cân nhắc áp thuế 15% đối với đầu tư nước ngoài vào trái phiếu chính phủ.

Sau khi công bố các biện pháp bình ổn hệ thống tài chính và tiền tệ hồi tháng 6/2010, như đề ra mức hạn chế đối với đầu tư của các ngân hàng trong nước và nước ngoài vào các công cụ phái sinh để kiểm soát "luồng tiền nóng," Cơ quan quản lý tài chính của Hàn Quốc tuần trước cho biết sẽ cùng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc thanh, kiểm tra việc quản lý ngoại tệ. Những biện pháp này không ngoài mục đích ngăn chặn sự lên giá của đồng won Hàn Quốc.

Cho đến nay, Ấn Độ là một ngoại lệ trong xu hướng can thiệp vào thị trường. Khác với các nước láng giềng châu Á khác đang thặng dư thương mại, Ấn Độ cần ngoại tệ để bù đắp thâm hụt tài khoản vãng lai đang gia tăng và đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng khá lớn. Đồng rupee mạnh lên cũng có lợi cho Ấn Độ, bởi hóa đơn nhập khẩu của nước này khá lớn, hiện nhập khoảng 70% lượng dầu mỏ cần thiết.

Tuy nhiên, quan chức Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (ICB), Subir Gokarn, tuần trước đã gọi luồng vốn đầu tư nước ngoài là một mối đe dọa và hôm 9/10 Thống đốc ICB, Duvvuri Subbarao, nói rằng Ấn Độ sẽ can thiệp nếu luồng vốn chảy vào làm "gián đoạn" nền kinh tế. Các nhà kinh tế cho rằng nền tảng kinh tế vĩ mô của Ấn Độ hiện nay cho thấy đồng nội tệ nên yếu hơn.

Theo báo cáo của IMF, tổng luồng vốn chảy vào các nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á trong bốn quý trở lại đây đã tăng gấp bốn lần so với mức của năm 2008. Từ đầu năm đến nay, đầu tư nước ngoài vào chứng khoán và trái phiếu ở Ấn Độ đạt trên 30,6 tỷ USD.

Citigroup cho hay, luồng vốn ròng chảy vào chứng khoán và trái phiếu Philippines từ tháng 1-8/2010 tăng 427% so với cùng kỳ năm 2009, trong khi đầu tư nước ngoài vào trái phiếu chính phủ của Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan tăng 44 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2010, so với 23 tỷ USD cả năm 2009.

Trong khi các nước châu Á lo ngại, một số nhà kinh tế hoan nghênh việc giá các đồng tiền châu châu Á tăng lên. Theo các nhà kinh tế này, việc châu Á bớt phụ thuộc vào xuất khẩu để tăng trưởng và giảm thặng dư thương mại với hầu hết các nước phát triển nhất được coi là một trong những điều chỉnh mà kinh tế thế giới cần có sau cuộc suy thoái kinh tế năm 2009, nhằm đảm bảo sự ổn định của kinh tế toàn cầu và các thị trường.

Việc các đồng tiền mạnh lên sẽ giúp cho hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn và thúc đẩy chi tiêu trong nước, qua đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế./.

Như Mai (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục