"Canh bạc" nguy hiểm của đảng Bảo thủ ở Anh

Theo tạp chí The Economist, đảng Bảo thủ Anh có lịch sử đặt cược vào các chính khách phi đảng phái bất cứ khi nào đảng này nghĩ rằng họ đã bị dồn vào chân tường.
Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo tạp chí The Economist, đảng Bảo thủ Anh có lịch sử đặt cược vào các chính khách phi đảng phái bất cứ khi nào đảng này nghĩ rằng họ đã bị dồn vào chân tường.

Trước khi trở thành lãnh đạo đảng, 3 trong số các thủ tướng vĩ đại nhất của đảng Bảo thủ đã bị các thành viên trong đảng của mình ghét cay, ghét đắng. Cụ thể, bà Margaret Thatcher (nhiệm kỳ 1979-1990) được coi là một nhà tư tưởng gây chia rẽ, không có khả năng kết nối với cử tri hay điều khiển Quốc hội.

Ông Winston Churchill (nhiệm kỳ 1940-1945 và 1951-1955) là một nhân vật nói năng sáo rỗng và liên tiếp làm hỏng việc khi phát động chiến dịch Dardanelles trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và bám chặt lấy tiêu chuẩn vàng.

Benjamin Disraeli (nhiệm kỳ 1874-1880) là một người ngoài cuộc hào nhoáng, không có thành tích gì đáng kể. Tuy nhiên, đảng Bảo thủ đã đặt cược vào 3 người này và đã giành thắng lợi lớn.

[Cựu Ngoại trưởng Johnson tuyên bố tranh chức Thủ tướng Anh]

Dường như đảng này lại sẽ "đánh bạc" một lần nữa khi đặt cược vào Boris Johnson. Vị cựu ngoại trưởng này nhận được sự yêu thích vượt trội từ các thành viên đảng, những người sẽ bầu ra nhà lãnh đạo.

Trở ngại duy nhất đối với ông là thuyết phục các đồng nghiệp của mình là các nghị sỹ đảng Bảo thủ đưa tên ông vào danh sách rút gọn gồm 2 người. Cho đến nay, các nghị sỹ này vẫn khá hoài nghi.

Bản cáo buộc chống lại ông Johnson rất dài: một cuộc sống riêng tư lộn xộn, thói quen "bẻ cong" sự thật, thiếu tập trung và thiếu kỷ luật, và là “kẻ ích kỷ bọc vàng” như cách gọi của Sir Max Hastings - cựu biên tập viên của tạp chí Nhà Bảo thủ và tờ Daily Telegraph.

Tuy nhiên, đảng Bảo thủ đang trong tình trạng khủng hoảng toàn diện. Đảng này có thể về đích ở vị trí thứ 4 đầy kém cỏi trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) do sự nổi lên của đảng Brexit do chính trị gia Nigel Farage dẫn dắt và sự sụp đổ vai trò thủ tướng của bà Theresa May.

Nếu sự chia rẽ ở phe cánh hữu tiếp tục diễn ra, điều này có thể đưa lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn phe cực tả lên nắm quyền phố Downing.

Tuy nhiên, hơn tất cả các lỗi lầm của mình, ông Johnson là một ngôi sao chính trị chính hiệu, một trong số ít các chính trị gia được cả thế giới biết tên (dù không phải lúc nào cũng vì những lý do chính đáng).

Vì nắm vai trò hàng đầu trong tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, ông Johnson không có khả năng tiếp cận các nhà tự do quốc tế, những người đã bầu ông làm thị trưởng London 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, ông có một khả năng hiếm có là biết cách tỏa sáng ở một chỗ nào đó.

Trong khi bà May thường khiến mọi người xung quanh cảm thấy rất khó chịu, ông Johnson lại là một người nịnh nọt khéo léo khiến mọi người cảm thấy vui vẻ. Ai sẽ là phương án tốt hơn để phục hồi lại đảng Bảo thủ đang lung lay trước đội quân đảng Brexit của ông Farage? Và ai là người tốt hơn để gánh vác trách nhiệm chống lại đội quân của ông Corbyn?

Những nghị sỹ đảng Bảo thủ thận trọng tự hỏi liệu ông Johnson có thể là phương tiện lý tưởng để thu hút và khai hóa những người phẫn nộ theo chủ nghĩa dân túy đang đe dọa đưa đất nước đến một nơi tối tăm hay không.

Đảng Bảo thủ có một kỷ lục đáng ngưỡng mộ về việc tập hợp các phong trào xã hội, những phong trào đã phá hủy các đảng tương tự ở các quốc gia khác, chẳng hạn như phong trào kêu gọi dân chủ vào cuối thế kỷ 19 và thành lập một nhà nước phúc lợi sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ông Johnson có thể lại làm điều tương tự với chủ nghĩa dân túy. Ông nhấn mạnh rằng Brexit là trung tâm của một kế hoạch tự do chứ không phải là một kế hoạch dân túy, một kế hoạch sẽ mở cửa để nước Anh ra thế giới thay vì cầm tù nước Anh trong pháo đài châu Âu.

Ông nhiệt tình ủng hộ cương lĩnh do Nhóm một quốc gia mới được thành lập gồm 60 nghị sĩ đảng Bảo thủ theo quan điểm ôn hòa. Vì vậy, thật dễ dàng để thấy lý do tại sao đảng Bảo thủ đang suy nghĩ về việc tham gia vào một vụ đặt cược. Liệu có chắc một sự lóe sáng thiên tài sẽ tốt hơn sự tầm thường, ngay cả khi nó là một phần của của một sự pha trộn dễ gây kích động? Và liệu có chắc rằng thực tế 3 vụ đặt cược lớn trong quá khứ đã đủ để đảm bảo rằng đảng Bảo thủ đáng để thực hiện một cuộc cá cược nữa?

Tuy nhiên, trước khi đặt cược, đảng Bảo thủ cần suy nghĩ kỹ về 3 câu hỏi lớn:

Thứ nhất, liệu ông Johnson có thể đàm phán với EU để đạt được một thỏa thuận tốt hơn so với thỏa thuận của bà May? Ông Johnson vô tình lập luận rằng EU, trong một liên minh độc ác với những người muốn ở lại trong giới quyền uy Anh, đã thổi phồng các vấn đề như vấn đề biên giới Ireland một cách quá mức. Ông ám chỉ rằng ông có thể đàm phán lại thỏa thuận Brexit bằng việc kết hợp vừa đe dọa (không có thỏa thuận) vừa thuyết phục, lôi kéo.

Điều này là không thể, bởi EU nhận ra rằng họ không thể nhượng bộ Anh quá nhiều mà không đe dọa gì đến sự toàn vẹn của EU. Việc đưa ông Johnson lên vị trí thủ tướng sẽ làm gia tăng đáng kể khả năng Brexit không thỏa thuận - một kịch bản làm gián đoạn nghiêm trọng nền kinh tế và khiến các cử tri xa lánh.

Thứ hai, liệu ông Johnson có thể điều hành được một chính phủ? Đảng Bảo thủ không chỉ bầu một nhà lãnh đạo đảng mà còn bầu một thủ tướng. Số phận của một đất nước 66 triệu dân, đang ở một trong những giai đoạn khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sẽ được quyết định bởi 124.000 nghị sỹ. Hồ sơ của ông Johnson không đáng khích lệ. Ông là một thị trưởng khá nổi tiếng nhưng là một bộ trưởng ngoại giao tệ hại. Mặc dù ông được trao một "mớ lộn xộn," nhưng lại có năng khiếu làm đại diện.

Tuy nhiên, ông Johnson chưa bao giờ thể hiện bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy ông có khả năng giải quyết 2 vấn đề quyết định của chính phủ hiện đại: dòng công việc không ngừng và yêu cầu phải thực hiện các thỏa hiệp phức tạp.

Thứ ba, liệu ông Johnson có thể giữ Vương quốc Anh thống nhất không? Mối gắn kết với Scotland hiện nay đã lỏng lẻo hơn so với những thập kỷ trước. Có rất ít người Scotland trong hàng ngũ cấp cao của 2 đảng chính ở Vương quốc Anh. Nếu ông Johnson làm thủ tướng có thể phá vỡ hoàn toàn mối gắn kết này. Đối với cử tri Scotland, ông Johnson thậm chí còn không được quý mến bằng bà May.

Có lẽ ông Johnson chính là cơ hội rất nhỏ nhoi mà đảng Bảo thủ cần để khôi phục lại cơ đồ của mình. Tuy nhiên, cái giá của sai lầm sẽ rất cao. Một Brexit không có thỏa thuận, một Vương quốc Anh tan vỡ, một người theo chủ nghĩa Marx ở phố Downing - thực sự đã rất lâu mới xuất hiện tình trạng nguy cơ cao nhưng cơ hội thấp như thế này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục