Để khai thác tiềm năng thế mạnh về khoáng sản, những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều biện pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến khoáng sản.
Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều năm cố gắng, nền công nghiệp chế biến khoáng sản của Cao Bằng vẫn phát triển "ì ạch", nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng, công nhân thiếu việc làm và nguồn thu từ chế biến khoáng sản cũng không nhiều.
Trước những năm 2000, khoáng sản ở Cao Bằng chưa được đầu tư khai thác, chế biến hợp lý, nhiều tư nhân, tư thương tự ý khai thác và bán lậu sang Trung Quốc.
Để khai thác tiềm năng thế mạnh và tránh tình trạng chảy máu khoáng sản ra nước ngoài, tỉnh Cao Bằng đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư khai thác và chế biến sâu khoáng sản.
Đến nay, tỉnh đã có 6 dự án chế biến quặng sắt và 11 dự án chế biến quặng mangan được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng chấp thuận chủ trương cho phép đầu tư xây dựng.
Trong đó, có 3 dự án chế biến quặng sắt và 8 dự án chế biến sâu quặng mangan đã hoàn thành đầu tư xây dựng, có thể đi vào hoạt động sản xuất.
Tuy vậy, đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản, tỉnh Cao Bằng vẫn chưa có được kết quả như mong đợi, đa số các nhà máy chế biến khoáng sản hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả.
Nói về nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, ông Nguyễn Đặng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng cho rằng, các mỏ khoáng sản sắt, mangan trên địa bàn tỉnh chủ yếu mới được nghiên cứu ở mức độ điều tra, đánh giá khoáng sản, chưa được thăm dò, phê duyệt trữ lượng.
Vì vậy, con số về trữ lượng của các mỏ này chưa đủ độ tin cậy. Đa số các mỏ khi đi vào khai thác, trữ lượng khoáng sản đều sụt giảm so với đánh giá ban đầu.
Trong khi đó, các chủ mỏ đều không quan tâm thực hiện việc thăm dò khoáng sản trong khu vực được cấp phép khai thác (mặc dù Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần đôn đốc) dẫn tới việc đầu tư khai thác chưa hiệu quả, còn nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, công tác thẩm định tiềm lực tài chính, công nghệ các dự án chế biến khoáng sản chưa được chặt chẽ ngay khi cấp chứng nhận đầu tư.
Việc này dẫn tới tình trạng các chủ đầu tư hạn chế về năng lực tài chính cũng được cấp phép xây dựng nhà máy chế biến khoáng sản.
Chính vì thiếu tài chính hoặc vì thẩm định kém nên các chủ đầu tư này chọn mua các thiết bị chế biến rẻ tiền, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, chi phí sản xuất cao, chủng loại sản phẩm và chất lượng hạn chế.
Trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay, giá sản phẩm xuống thấp thì các dự án này hoạt động không hiệu quả.
Để tháo gỡ khó khăn trên cho các nhà máy, trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục áp dụng các giải pháp để việc khai thác khoáng sản được hiệu quả hơn.
Trước hết, Cao Bằng không cấp mới các dự án chế biến sâu quặng sắt và quặng mangan. Khuyến khích việc hợp nhất các cơ sở chế biến có cùng loại sản phẩm nhằm giảm số lượng cơ sở chế biến khoáng sản, tăng năng lực tài chính, tiến tới đổi mới công nghệ sản xuất.
Cùng với đó, tỉnh cho phép các doanh nghiệp đầu tư tài chính thực hiện công tác điều tra, đánh giá khoáng sản; tiến tới thăm dò, khai thác khoáng sản nhằm cung cấp nguyên liệu cho các dự án.
Tỉnh cũng thực hiện đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác đánh giá khoáng sản trong các khu vực được cấp phép khai thác, nhằm xác định trữ lượng khoáng sản có thể huy động cho các cơ sở chế biến.
Ngoài ta, tỉnh cũng sẽ kiên quyết tạm dừng đầu tư đối với các nhà máy đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa triển khai xây dựng. Việc triển khai đầu tư xây dựng chỉ được thực hiện sau khi làm rõ được vùng nguyên liệu của dự án./.