Cao tốc Bắc-Nam: Cần tính toán nhượng quyền thu phí sau khi hoàn thành

Theo dại biểu Phạm Văn Hòa, đối với dự án cao tốc Bắc-Nam, việc nhượng quyền thu phí, dù chưa có tiền lệ song cần đồng tình để Chính phủ triển khai chuẩn bị, khi hoàn thành sẽ thực hiện ngay.
Cao tốc Bắc-Nam: Cần tính toán nhượng quyền thu phí sau khi hoàn thành ảnh 1Phương tiện lưu thông trên một đoạn tuyến cao tốc đưa vào khai thác, vận hành. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Xác định việc đầu tư tuyến đường Cao tốc Bắc-Nam là một định hướng đúng, tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội của các nước, một số đại biểu Quốc hội đề xuất có cơ chế đặc thù để kịp tiến độ dự án.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, chiều 10/1, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng xây dựng cao tốc Bắc-Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế.

“Một trong những điểm nghẽn của năng lực cạnh tranh quốc gia là kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Đây là nguyên nhân khiến chi phí logistics ở mức rất cao, làm giảm sức cạnh tranh nền kinh tế,” ông Lộc nói.

[Bộ GTVT lý giải suất đầu tư cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025]

Nêu quan điểm về lựa chọn phương án đầu tư công để triển khai dự án, ông Lộc cho rằng đây là vấn đề “cực chẳng đã” khi tư nhân không làm thì Nhà nước phải làm.

“Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư phương thức đối tác công tư (PPP), nhưng có tới 2 lần Quốc hội phải điều chỉnh các dự án PPP sang phương thức đầu tư công. Đây là sự không thành công trong chính sách, lỗi không phải do phương thức PPP mà do cơ chế chính sách thiết kế chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân, nên chưa thành công thu hút nhà đầu tư tư nhân,” ông Lộc nêu quan điểm.

Đại biểu này cũng đề nghị cần sửa đổi quy định pháp luật chính sách để thu hút đầu tư tư nhân tham gia. Theo đó, Chính phủ nên thành lập quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư tư nhân vay để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thay vì nhà nước phải đầu tư. Như vậy sẽ chuyển một phần vốn từ đầu tư công sang hỗ trợ đầu tư tư nhân.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đề nghị cân nhắc huy động đối tác công tư (PPP) bằng cách tách dự án thành phần giải phóng mặt bằng, không tính vào dự án đầu tư.

Ngoài ra, tiền dành cho dự án thành phần này chuyển sang ngân hàng cho nhà đầu tư vay để doanh nghiệp có nguồn vốn thực hiện PPP và đương nhiên doanh nghiệp sẽ hoàn trả.

“Doanh nghiệp tự đầu tư, tự vận hành, thu phí sẽ hiệu quả hơn nhiều lần nhượng quyền thu phí,” ông Hoàng Văn Cường nêu ý kiến. 

Liên quan đến dự án này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng trong thế khó như hiện nay thì việc đầu tư công là có cơ sở.

Ông nhấn mạnh việc nhượng quyền thu phí, dù chưa có tiền lệ song cần đồng tình để Chính phủ triển khai chuẩn bị, khi hoàn thành sẽ thực hiện ngay./.

(vietnam+)

Tin cùng chuyên mục