Cao tốc Bắc-Nam: Nhà thầu mong chỉ số giá vật liệu công bố sát thực tế

Dịch bệnh và “bão giá” nhiên vật liệu đã để lại hệ lụy có thể khiến các doanh nghiệp “chết dần chết mòn,” không có sức để tái đầu tư về con người và máy móc, thiết bị.
Cao tốc Bắc-Nam: Nhà thầu mong chỉ số giá vật liệu công bố sát thực tế ảnh 1Nhà thầu thi công dự án đường cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Các nhà thầu tại các dự án cao tốc Bắc-Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do phải đối mặt với nhiều đợt tăng giá vật liệu và đang mong ngóng từng ngày được sớm tháo gỡ, điều chỉnh giá.

Thậm chí, một số nhà thầu rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan,” càng làm càng lỗ, nếu dừng thi công lại bị phạt hợp đồng. Do vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có giải pháp để nhà thầu giao thông vượt “bão giá.”

Chỉ số bù giá không sát thực tế

Tại buổi tọa đàm “Giải pháp giúp nhà thầu giao thông vượt bão giá” của Báo Giao thông tổ chức vào sáng 12/8, ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4 (là đơn vị tham gia nhiều gói thầu cao tốc Bắc-Nam) cho rằng dịch bệnh và “bão giá” nhiên vật liệu đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp, hệ lụy để lại có thể khiến các doanh nghiệp “chết dần chết mòn,” không có sức để tái đầu tư về con người và máy móc, thiết bị.

Nhìn nhận việc ban hành chỉ số giá của các địa phương không thể bù đắp được so với thực tế, theo ông Thọ, nguyên nhân là do công thức điều chỉnh giá hiện nay dùng theo chỉ số giá dạng tổng hợp và đưa ra chỉ số giá một số công trình chung trên địa bàn. Tuy nhiên, dự án cao tốc, tiêu chuẩn lại có nhiều nguồn vật liệu khác.

Dẫn chứng, đối với dự án Phan Thiết-Dầu Giây, nhà thầu tính toán trượt giá khoảng 23%, địa phương bù giá 11%, dự án Cam Lộ-Huế, bù giá chỉ tăng 0,3% nhưng theo nhà thầu tính toán thì trượt giá gần 10%, theo các công thức hiện nay.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Lê Bách, Phó giám đốc Ban Kế hoạch-kỹ thuật, Tập đoàn Đèo Cả cho hay thời gian qua, không những thép mà các vật liệu khác như đất đắp, xăng dầu, xi măng… đều tăng khiến giá thành các dự án đang bị vượt khoảng 18-30% so với hợp đồng gốc.

[Nhà thầu càng làm càng lỗ, cao tốc Bắc Nam có nguy cơ về đích chậm]

Ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) chia sẻ có 2 phương pháp chính để điều chỉnh giá gồm theo công thức và bù trừ trực tiếp. Giai đoạn đầu, một số địa phương không công bố đầy đủ chỉ số giá, công bố cũng không sát với thực tiễn biến động giá.

Tuy nhiên, ông Tiến nhìn nhận sau khi có báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải và sự vào cuộc của Bộ Xây dựng, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Theo thống kê, hiện nay đã có 44 địa phương công bố giá vật liệu hàng tháng, 19 địa phương công bố giá vật liệu hàng quý. Một số địa phương đã thực hiện tốt công bố giá vật liệu bám sát biến động thị trường.

“Chỉ số phản ánh đúng thực tiễn là vấn đề rất quan trọng. Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất giải pháp công bố giá phản ánh đúng thực tế, nếu được thì có thể xem xét tách công thức điều chỉnh giá, không công bố giá bình quân cho cả hợp đồng nữa mà tách ra một số nhóm vật liệu chính bị biến động lớn,” ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng đưa ra dẫn chứng giai đoạn 2008-2009 đã từng có đợt bão giá, Bộ Xây dựng cũng ban hành 2 Thông tư số 05 và số 09 cho phép điều chỉnh giá của 13 vật liệu chính theo phương pháp bù trừ trực tiếp. Điều đó đã hỗ trợ cho nhà thầu, doanh nghiệp rất nhiều.

Cách nào để điều chỉnh hợp đồng, nhà thầu không lỗ

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) tiết lộ hiện nay pháp luật xây dựng có 2 nhóm chỉ số giá xây dựng. Một là nhóm chỉ số giá do địa phương công bố, bao gồm nhóm theo từng loạt công trình dân dụng, giao thông, nông nghiệp... hay theo nhóm chi phí hoặc nhóm vật liệu.

Nhóm chỉ số giá thứ 2 được quy định rất kỹ trong pháp luật về chi phí và hợp đồng là chỉ số giá xây dựng công trình được xây dựng phù hợp cho công trình, gói thầu, cho hợp đồng để điều chỉnh hợp đồng.

[Giải bài toán trượt giá mới không lo nhà thầu 'bỏ cuộc']

“Việc sử dụng chỉ số giá nào phải phụ thuộc vào hồ sơ mời thầu và thoả thuận hợp đồng. Nếu hợp đồng quy định sử dụng chỉ số giá địa phương công bố thì trong quá trình thực hiện hợp đồng phải sử dụng chỉ số giá do địa phương công bố để điều chỉnh hợp đồng,” ông Tuấn cho hay.

Cao tốc Bắc-Nam: Nhà thầu mong chỉ số giá vật liệu công bố sát thực tế ảnh 2Các chỉ số giá về vật liệu đầu vào để thi công cao tốc Bắc-Nam do địa phương ban hành còn chậm và chưa sát với giá thực tế. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Để chia sẻ khó khăn với các nhà đầu tư đang thực hiện các dự án công trình trọng điểm, ông Tuấn cho rằng các địa phương phải tiếp tục rà soát, công bố giá nguyên vật liệu kịp thời theo diễn biến thị trường; khảo sát kỹ thị trường để mức giá công bố phù hợp với biến động, đặc biệt cần phải để ý kỹ các vật tư, vật liệu phổ biến có tại địa phương để kịp thời rà soát, bổ sung danh mục.

Theo ông Đặng Hoài Nam, Trưởng phòng Định mức và Đơn giá, Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể việc công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng trên địa bàn quản lý từ năm 2021 trở lại đây; khắc phục hạn chế nguyên nhân chủ quan, khách quan từ công tác này.

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị giao cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư chỉ đạo chủ đầu tư các dự án báo cáo các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; xác định rõ trách nhiệm các bên và cơ sở pháp lý về việc điều chỉnh hợp đồng (kể cả hợp đồng BOT), đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trên cơ sở chủ động xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục