"Cấp phép bác sỹ ngoại không cần kiểm tra tay nghề"

Sau sự kiện một số phòng khám đa khoa, bệnh viện có yếu tố nước ngoài  xảy ra những vụ việc nghiêm trọng, gây chết người, phóng viên Vietnam+ đã tìm hiểu về việc quản lý hệ thống y tế ngoài công lập và việc cấp phép hành nghề cho các thầy thuốc, bác sĩ người nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Trần Quốc Khoa - Trưởng phòng Quản lý Khám chữa bệnh ngoài công lập (Bộ Y tế) cho biết hiện nay, chưa có nước nào như Việt Nam có cơ chế hết sức thông thoáng về việc cho phép người nước ngoài vào hành nghề y dược như việc cấp chứng chỉ hành nghề chỉ cấp một lần tức là vĩnh viễn, trong khi nhiều nước khác là cấp có thời hạn, hết hạn, kiểm tra thấy đạt mới cấp tiếp...
Hiện nay, tại Việt Nam có khá nhiều bệnh viện, phòng khám tư nhân có các bác sỹ nước ngoài hoạt động.

Sau sự kiện một số phòng khám đa khoa, bệnh viện có yếu tố nước ngoài  xảy ra những vụ việc nghiêm trọng, gây chết người, phóng viên Vietnam+ đã tìm hiểu về việc quản lý hệ thống y tế ngoài công lập và việc cấp phép hành nghề cho các thầy thuốc, bác sỹ người nước ngoài tại Việt Nam.

Sau đây là cuộc trao đổi giữa phóng viên Vietnam+ và ông Trần Quốc Khoa - Trưởng phòng Quản lý Khám chữa bệnh ngoài công lập (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.

- Tại Việt Nam hiện nay, những bệnh viện, phòng khám ngoài công lập xuất hiện khá nhiều và rất đa dạng. Xin ông cho biết, đến nay có bao nhiêu bệnh viện và các phòng khám tư nhân tại Việt Nam?

Ông Trần Quốc Khoa: Trên toàn quốc có 137 bệnh viện tư nhân, trong đó có 6 bệnh viện có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó có hai bệnh viện của Pháp, hai của Hàn Quốc và hai bệnh viện của Singapore.

Về số lượng phòng khám đa khoa và chuyên khoa, trên phạm vi cả nước có tất cả hơn 30.000 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có 30 phòng khám đa khoa và chuyên khoa có vốn đầu tư nước ngoài.

Các bệnh viện tư nhân chủ yếu là bệnh viện có quy mô nhỏ. Trong đó, bệnh viện nhỏ nhất là 10 giường và bệnh viện có quy mô lớn nhất là hơn 500 giường.

Hiện nay có 28/63 tỉnh thành có bệnh viện tư nhân. Nơi tập trung nhiều các bệnh viện tư nhân nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Tại những khu vực vùng sâu vùng xa không có sự hiện diện của bệnh viện tư nhân. Chủ trương của nhà nước là phấn đấu mỗi tỉnh có từ 1-2 bệnh viện tư nhân.  Và con số thực tế đã cho thấy chúng ta chưa đạt được tiêu chí này.

- Ông có thể cho biết tính đến thời điểm này, có bao nhiêu thầy thuốc, bác sỹ là người nước ngoài được Bộ Y tế cấp phép hành nghề  tại Việt Nam và lượng bác sỹ nước nào được cấp phép nhiều nhất?

Ông Trần Quốc Khoa: Với Bộ Y tế, đến giờ phút này chúng tôi đã nhận được khoảng 1.000 hồ sơ xin được cấp chứng chỉ hành nghề và bộ đã cấp được cho khoảng 600 chứng chỉ hành nghề, trong đó chủ yếu là người ở trong nước.

Đối với người nước ngoài thì rất là ít, có thể đếm trên đầu ngón tay, có chưa tới 20 người nước ngoài được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam. Họ đến từ các nước như: Nhật, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga… nhưng chiếm đa phần là người Trung Quốc, Nhật.

Trước kia, theo pháp lệnh về hành nghề y dược tư nhân, đối với người nước ngoài muốn hoạt động thì phải được cấp phép. Bộ Y tế đã duyệt cho 80 người nước ngoài được hành nghề dưới dạng cấp phép. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 1/1/2012 những người nước ngoài lần đầu tiên đến Việt Nam để hành nghề phải được cấp chứng chỉ chứ không cấp phép nữa. Vì vậy, số người nước ngoài được hành nghề dưới dạng cấp phép trước đó nếu muốn hành nghề tiếp tục tại Việt Nam thì  từ nay đến cuối năm họ phải làm hồ sơ chuyển sang xin cấp chứng chỉ hành nghề.

Chẳng hạn như một số bác sỹ ở phòng khám S.O.S, phòng khám gia đình, Bệnh viện Việt-Pháp và những người đã hành nghề theo pháp lệnh trên muốn hành nghề tiếp tục thì trong năm nay họ phải làm hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề.

Như vậy, trong năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục cấp chứng chỉ cho hai đối tượng đó là những người lần đầu tiên sang Việt Nam và đối tượng thứ hai là những bác sỹ đang được cấp phép của Bộ Y tế theo pháp lệnh cũ mà đến nay pháp lệnh đã hết hiệu lực.

- Ông có thể nói rõ hơn việc cấp phép, quản lý đối với các thầy thuốc, bác sỹ là người nước ngoài hiện nay được thực hiện ra sao?

Ông Trần Quốc Khoa: Người nước ngoài muốn được cấp chứng chỉ hành nghề y dược tại Việt Nam thì trước tiên họ phải có đơn gửi đến Bộ y tế xin cấp chứng chỉ hành nghề.

Thứ hai là họ phải có bằng cấp, ví dụ như bằng bác sỹ hay kỹ thuật viên… Bằng này phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của Bộ Ngoại giao.

Thứ ba là họ phải có thời gian thực hành. Trong luật đã quy định, đối với bác sỹ phải là 18 tháng, y sỹ là 12 tháng, điều dưỡng và kỹ thuật viên phải có thời gian thực hành là 9 tháng.

Riêng với người nước ngoài trong bộ hồ sơ phải có giấy chứng nhận họ phải biết tiếng Việt. Còn đối với những trường hợp không biết tiếng Việt thì phải nộp thêm hồ sơ của người phiên dịch. Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề được nộp một cửa tại phòng hành chính Cục quản lý khám chữa bệnh.

Sau đó Bộ Y tế sẽ tổ chức một tổ thư ký và thành lập hội đồng tư vấn để cấp chứng chỉ.Trong nội dung của chứng chỉ hành nghề ghi rõ phạm vi chuyên môn. Trong quá trình hoạt động, cơ quan chức năng kiểm tra, trường hợp nào hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn thì chúng tôi sẽ thổi còi vi phạm, thậm chí là đình chỉ.

- Có ý kiến cho rằng, việc tạo điều kiện cho người nước ngoài đến hành nghề y dược tại Việt Nam đang rất “thông thoáng.” Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

Ông Trần Quốc Khoa: Việt Nam hiện cần nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực y tế nhất là bệnh viện để chia sẻ với bệnh viện công vốn đang quá tải, tạo ra thị trường dịch vụ y tế cạnh tranh. Vì vậy, chúng ta có cơ chế rất thông thoáng để tạo điều kiện cho họ.

Hiện nay, chưa có nước nào như Việt Nam có cơ chế hết sức thông thoáng về việc cho phép người nước ngoài vào hành nghề y dược như việc cấp chứng chỉ hành nghề chỉ cấp một lần tức là vĩnh viễn, trong khi nhiều nước khác là cấp có thời hạn, hết hạn, kiểm tra thấy đạt mới cấp tiếp...

Một điểm còn tồn tại trong việc cấp chứng chỉ hành nghề y dược hiện nay là chúng ta chưa tiến hành kiểm tra trình độ tay nghề trực tiếp. Ở các nước khác họ đã tiến hành kiểm tra, Việt Nam chưa tiến hành tổ chức kiểm tra mà căn cứ vào hồ sơ rồi cấp chứng chỉ.

- Hiện nay, có một thực trạng đang diễn ra tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là có nhiều phòng khám tư nhân “nhờn thuốc.” Họ vi phạm liên tục và không sợ bị phạt, xử phạt xong thì đâu lại vào đó. Xin ông cho biết lỗ hổng nào khiến công tác thanh tra không hiệu quả và việc này sẽ được giải quyết như thế nào?

Ông Trần Quốc Khoa: Trong hệ thống y tế ngoài công lập, hiện nay có một số phòng khám có yếu tố người nươc ngoài làm việc chưa được cấp phép hay thu tiền quá cao. Tuy nhiên những trường hợp trên là rất ít và những phòng khám kiểu như vậy sớm muộn cũng sẽ bị loại trừ ra khỏi hệ thống y tế.

Có một thực tế hiện nay trong công tác quản lý các bệnh viện, phòng khám tư nhân còn nhiều khó khăn do lực lượng thanh tra còn mỏng, chưa đủ mạnh.

Vì vậy, thời gian tới chắc chắn chúng tôi sẽ phải có những biện pháp tăng cường. Có nhiều biện pháp như tăng cường giáo dục pháp luật cho những người tham gia hành nghề. Cái thứ hai là lực lượng thanh tra tăng cường công tác thanh kiểm tra.

- Sau vụ phòng khám Maria gây chết người ở Hà Nội và một số phòng khám vi phạm nghiêm trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh, về phía cơ quan quan lý, xin ông cho biết sắp tới công tác quản lý và thanh tra các phòng khám tư có gì mới?

Ông Trần Quốc Khoa: Thực tế cho thấy không phải chỉ khi vụ Maria xảy ra lực lượng chức năng mới tiến hành kiểm tra giám sát mà trước đó lực lượng này cũng đã kiểm tra thường xuyên. Thực sự là lực lượng kiểm tra giám sát của chúng ta vẫn còn mỏng, nên thành ra không làm được triệt để.

Vụ việc chết người xảy ra tại Phòng khám đa khoa Maria xảy ra theo tôi đó thật sự là một điều đáng tiếc. Tôi cho rằng nếu như kiểm tra giám sát mà nghiêm minh, thanh tra rõ ràng xử phạt thì kết quả sẽ khác./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục