Tối 21/1, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình cầu truyền hình đặc biệt chủ đề "Bản hùng ca mùa Xuân: Chân trần-Chí thép" tại 3 địa điểm gắn liền với sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 gồm: Hội trường Thống Nhất, quận 1; Khu Truyền thống Cách mạng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, huyện Bình Chánh và Khu vực sinh hoạt văn hóa đa năng xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2018) và 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 lịch sử (1968-2018), nhằm ôn lại tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí yêu nước và truyền thống cách mạng; sự đấu tranh anh dũng, mưu trí, sáng tạo, bản lĩnh, kiên cường của cả dân tộc.
Đến dự chương trình có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Anh hùng Lực lượng vũ trang, các tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ.
[Toàn cảnh về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968]
Đặc biệt, chương trình có sự hiện diện của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các cựu chiến binh, các lão thành cách mạng, đại diện các lực lượng tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Với 3 phần: "Chân trần," "Chí thép," "Khát vọng hòa bình," chương trình nêu bật tinh thần bất khuất, ý chí quật cường, lòng dũng cảm vô biên và những tấm gương sáng ngời của các chiến sỹ biệt động, an ninh, chiến sỹ quân Giải phóng, nam nữ dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong cùng đồng bào, đồng chí.
Chương trình khái quát quá trình khơi dậy, quy tụ và phát huy cao độ sức mạnh chính trị - tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng "thế trận lòng dân" và khẳng định tầm quan trọng của đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến lược xây dựng sức mạnh quốc phòng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Tại chương trình, khán giả được gặp gỡ, giao lưu với những người con của ông Đỗ Văn Căn (tức Ba Mủ), người kiến tạo kho vũ khí ở nhà 183/4 đường Trần Quốc Toản, quận 3, nay là đường Ba Tháng Hai, quận 10; anh Trần Kiến Xương, con trai ông Trần Văn Lai, người xây dựng cơ sở chứa vũ khí tại nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3; ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn), nguyên chiến sỹ Đội 5, Biệt động Sài Gòn-Gia Định...
Qua những câu chuyện kể, khán giả thấy được một phần diễn biến của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; vai trò của các lực lượng tham gia, vai trò của hậu phương miền Bắc và hậu phương tại chỗ.
Dù đã 50 năm trôi qua, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đồng thời, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay./.