Ngày 26/6, ông chủ mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg cho biết trang mạng này đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn các video được dàn dựng với công nghệ "deepfake" (siêu làm giả), được cho là có thể lừa gạt và lôi kéo người dùng ở qui mô lớn.
Công nghệ deepfake là một kỹ thuật tổng hợp hình ảnh của con người sử dụng trí tuệ nhân tạo. Ngày càng nhiều quan ngại rằng công nghệ này có thể trở thành công cụ hữu hiệu, phục vụ việc dàn dựng các video giả mạo người nổi tiếng để tuyên truyền các thông tin sai sự thực và phục vụ các mục đích can thiệp bầu cử.
Trả lời phỏng vấn khi tham gia Liên hoan ý tưởng công nghệ Aspen, Colorado, CEO Zuckerberg cho biết Facebook đang trong giai đoạn xác định xem liệu có cần tách biệt video sử dụng công nghệ deepfake ra khỏi khái niệm "tin giả" nói chung hay không đồng thời cho biết khả năng này khá cao. Zuckerberg nhận định không chỉ riêng Facebook mà nhiều trang mạng xã hội khác đều phải đối mặt với thách thức từ deepfake trong bối cảnh các nền tảng đang không ngừng nỗ lực để ngăn chặn thông tin giả mạo.
[Facebook thừa nhận chậm trễ xử lý video xuyên tạc Chủ tịch Hạ viện Mỹ]
Tỷ phú công nghệ cho rằng nói deepfake khác với tin giả mạo là hoàn toàn có cơ sở và sẽ là hợp lý nếu phải dùng một chính sách riêng để đối phó với tình trạng này, một chính sách khác biệt so với những gì đã được áp dụng trong các trường hợp thông tin trực tuyến giả mạo thường thấy.
Các nền tảng trực tuyến đang nỗ lực để bước tiếp trên ranh giới mong manh giữa các nỗ lực ngăn chặn thông tin giả mạo, thao túng dư luận và việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận của người dùng. Hồi đầu tháng này, mạng chia sẻ hình ảnh Instagram nổi tiếng thuộc sở hữu của Facebook đã từ chối gỡ bỏ một video giả mạo CEO của chính họ chỉ vì lý do chưa có qui định nào liên quan tới vấn đề này. Một video khác giả mạo Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng đã không bị Facebook gỡ bỏ với lý do tương tự./.