Theo báo cáo sơ kết công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ về phục vụ hành khách sáu tháng đầu năm 2014 của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), các hãng hàng không Việt Nam có tỷ lệ chậm, hủy chuyến trên tổng số chuyến bay chiếm tới 25% tính đến hết tháng Năm.
Cụ thể, VietjetAir vẫn là đơn vị dẫn đầu trong các hãng hàng không về tỷ lệ số lượng chuyến bay chậm hủy chuyến khi chiếm tới 51% trên tổng số chuyến bay trong đó chậm chuyến chiếm hơn 48%. Tiếp theo là Jetstar Pacific với 50%. Vietnam Airlines có tỷ lệ hoãn hủy thấp nhất, 14%; Vasco là 17%.
Tại báo cáo của Cục Hàng không cũng đánh giá, con số 25% tỷ lệ chuyến bay chậm hủy là khá cao nếu so với cùng kỳ năm 2013 khi tỷ lệ này có 16% và thực sự gây ảnh hưởng rất lớn đối với chất lượng dịch vụ hành khách.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề chậm chuyến, tuy nhiên, Cục Hàng không cũng chỉ đích danh lý do khi có đến 50% số chuyến bị chậm, hủy có liên quan đến việc dồn chuyến, hủy chuyến vì lý do thương mại, cơ sở vật chất của cảng hàng không vào các giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cũng nhìn nhận, các hãng hàng không thông tin cho hành khách đối với các chuyến bay bị chậm có thời gian dài và chưa xác định được thời gian khởi hành còn chưa thỏa đáng dẫn đến việc hành khách bức xúc do phải chờ đợi và mệt mỏi khi nhận được thông tin giờ khởi hành thay đổi liên tục.
Liên quan đến chất lượng, dịch vụ nhân viên hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, đối với các hãng hàng không giá rẻ như Jetstar Pacific, VietjetAir vẫn còn xảy ra nhiều trường hợp hành khách bức xúc, tranh cãi, lớn tiếng khi bị chậm, hủy, cắt khách hoặc bị yêu cầu đóng thêm tiền đối với hành lý quá cước, làm mất an ninh trật tự tại nhà ga, gây kéo dài thời gian làm thủ tục cho nhũng hành khách khác.
“Một số nhân viên của hãng chuyên môn còn hạn chế, cách trả lời giải thích cho hành khách còn chưa thỏa đáng đồng thời vào một số thời điểm không có nhân viên của đại diện hãng tại khu vực làm thủ tục để giải quyết những bức xúc của hành khách," báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm, đã có 176 sự cố an toàn lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay; quản lý hoạt động bay, cảng hàng không sân bay. Cụ thể, 131 sự cố an toàn lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay; 14 sự cố quản lý hoạt động bay và 31 sự cố xảy ra tại các cảng hàng không.
Số liệu thống kê về sự cố an toàn hàng không lĩnh vực quản lý hoạt động bay của Cục Hàng không cũng cho thấy, cả nước có 117 chuyến bay bị ảnh hưởng do thời tiết xấu, trong đó có 106 chuyến phải bay chờ, tiếp cận hụt, đi sân bay dự bị do thời tiết xấu tại các sân bay và 11 chuyến bay lệch sang biên giới do thời tiết trên đường bay xấu (chưa kể các chuyến bay hủy do thời tiết). Các sân bay bị ảnh hưởng nhiều nhất trong tháng là Nội Bài (21 chuyến), Tân Sơn Nhất (70 chuyến).
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, sáu tháng đầu năm 2014, tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam ước đạt 16,3 triệu khách (tăng tương ứng 13,2%) và 372 nghìn tấn hàng hoá (tăng 24,3%) so với cùng kỳ năm 2013. Tổng lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt đạt 24,7 triệu khách, 448 nghìn tấn hàng hoá, tăng tương ứng 15% về hành khách và 22% về hàng hóa so với cùng kỳ năm 2013.
Đội tàu bay hiện tại của các hãng hàng không Việt Nam bao gồm 102 tàu bay với độ tuổi trung bình 6,2 tuổi; số lượng tàu bay sở hữu là 42 chiếc, chiếm tỷ lệ 41,2% với độ tuổi trung bình là 6,6 tuổi.
Ngành hàng không Việt Nam hiện đang quản lý, khai thác hoạt động hàng không dân dụng tới ba cảng hàng không quốc tế chính là Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất và 18 cảng hàng không địa phương. Hiện tại có bốn hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VASCO và VietjetAir và 46 hãng hàng không nước ngoài khai thác thường lệ và ba hãng khai thác không thường lệ tham gia thị trường hàng không Việt Nam./.