Với việc phát triển thành công đàn hươu để lấy lộc nhung và bán con giống, đời sống người dân vùng “chảo lửa, túi mưa” Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã có nhiều khởi sắc. Nhung hươu giờ đã trở thành một sản vật nổi tiếng của Hương Sơn.
Mũi nhọn kinh tế
Trong những năm gần đây, nghề nuôi hươu lấy nhung được xem là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của vùng.
Theo ông Phạm Xuân Đức, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn, hiện nay toàn huyện có khoảng 10.000 dân hộ nuôi hươu. Đàn hươu được phân bố rộng khắp trên địa bàn huyện, trong đó tập trung nhiều ở các xã: Sơn Trung, Sơn Giang, Quang Diệm, Sơn Lâm, Sơn Hồng…
Tổng đàn hươu của huyện Hương Sơn ước đạt hơn 36.000 con trong năm 2019 (tăng 1,15% so với năm 2018). Sản lượng nhung hươu đạt khoảng 14,42 tấn, giá trị kinh tế đạt khoảng 226 tỷ đồng.
[Thủ tướng: Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ 'không có điểm dừng']
Ông Phạm Trâm (xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn), người có kinh nghiệm nuôi hươu lấy nhung lâu năm chia sẻ: “Khi được 2 năm tuổi, con hươu đực sẽ bắt đầu cho nhung. Nếu con hươu được chăm sóc tốt, bổ sung đủ tinh bột (bên cạnh việc cho ăn lá cây, rơm…) thì sẽ cho những cặp nhung có giá trị kinh tế cao, nặng từ 0,5-1kg/cặp. Cá biệt, có những con hươu cho cặp nhung nặng tới 1,5kg.”
Thời gian thu hoạch nhung hươu thường kéo dài từ tháng Chạp năm trước đến tháng Hai, tháng Ba (Âm lịch) năm sau.
Bên cạnh đó, ông Trâm cũng cho biết thêm, thông thường, mỗi con hươu đực chỉ cho một lứa nhung trong một năm. Tuy nhiên, nếu con hươu khỏe mạnh, kết hợp với kỹ thuật chăn nuôi ngày càng được cải thiện thì mỗi năm, hươu có thể cho thu hoạch nhung hai lần. “Người dân Hương Sơn thì gọi là nhung trái mùa,” ông Trâm nói.
Không chỉ nuôi hươu lấy nhung, người dân Hương Sơn còn bán hươu giống. Một con hươu cái có giá từ 5-10 triệu đồng. Trong khi đó, hươu đực chưa cho nhung được bán với giá dao động từ 15-20 triệu đồng/con. Đặc biệt, với những con hươu đực đã cho thu hoạch từ một đến hai mùa nhung, người dân có thể bán với giá hàng chục triệu đồng.
Hướng đi nâng cao chất lượng sản phẩm
Trao đổi với phóng viên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn cho biết tại Luật Chăn nuôi 2018 (có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2020), hươu sao được liệt vào danh mục giống vật nuôi. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy ngành chăn nuôi hươu sao phát triển. Từ đó, sản lượng, giá thành của nhung hươu cũng sẽ được nâng cao.
Ngoài ra, ngày 28/2/2019, sản phẩm nhung hươu Hương Sơn đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký chỉ dẫn địa lý (số 00072). Nhờ đó, nhung hươu Hương Sơn được nhiều người biết đến hơn, giá trị tăng cao. Các thương lái ở trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh chủ động tìm về, đặt mua sản phẩm.
“Trước đây, huyện chủ trương xây dựng mô hình phát triển đàn hươu, tận dụng những điều kiện có sẵn (địa hình đồi núi, nhiều loại cây cỏ phù hợp với loài hươu) để chăn nuôi số lượng lớn. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, việc chăn nuôi hươu tập trung nhiều hơn vào vấn đề chất lượng đàn. Nhiều hộ dân đã thực hiện thanh lọc đàn hươu, giữ lại những con hươu cho khối lượng nhung đạt trên 0,5kg để phát triển, nâng cao chất lượng đàn,” ông Phạm Xuân Đức cho biết.
Chất lượng nhung hươu được cải thiện kéo theo giá bán cũng tăng lên. Nếu như trước đây, giá bán nhung hươu dao động trong khoảng từ 8,5-9,5 triệu đồng/kg thì đến nay, giá nhung đạt trên 11 triệu đồng/kg.
Bên cạnh việc bán nhung hươu tươi, thời gian qua, các hộ dân ở Hương Sơn đã chú trọng việc chế biến các sản phẩm từ nhung hươu. “Việc này giúp tăng giá trị nhung hươu và người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn khi sử dụng sản phẩm từ nhung hươu,” ông Đức cho hay.
Các sản phẩm chế biến sâu từ nhung hươu bao gồm: nhung hươu sấy khô, nhung hươu thái lát, nhung hươu tán bột… Năm 2019, Hương Sơn có 14 sản phẩm chế biến từ nhung hươu nằm trong OCOP (Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm, phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị).
Theo ông Phạm Xuân Đức, với việc xác định nghề nuôi hươu sao là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương, huyện Hương Sơn đã triển khai việc quản lý chăn nuôi hươu theo quy định tại Điều 67 (Luật Chăn nuôi). Huyện khuyến khích các mô hình, trang trại có quy mô từ 50 con trở lên; khuyến khích liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhung và các sản phẩm từ nhung hươu giữa các hộ chăn nuôi với doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với việc xây dựng chương trình OCOP.
Ngoài ra, để quảng bá thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm, các hộ chăn nuôi đã chủ động hạn chế xuất thô nhung hươu; phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị có liên quan để xây dựng website bán hàng, tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu sản phẩm…
“Về lâu dài, chúng tôi mong muốn có thể kết hợp cùng các nhà khoa học để cải tiến kỹ thuật nuôi đồng thời tạo ra thêm nhiều sản phẩm chế biến từ nhung hươu,” ông Trần Đình Chiến (Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hương Sơn) bày tỏ.
Video nhung hươu Hương Sơn: