Chất gây hiệu ứng nhà kính ngày càng gia tăng

Số lượng chất HFC (hydrofluorocarbons) không phá hủy tầng ozone nhưng gây hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất nóng lên, lại đang tăng mạnh.
Ngày 16/9, nhân Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon báo động nguy cơ các chất có khả năng làm Trái Đất nóng lên đang được sử dụng phổ biến để thay thế các chất phá hủy tầng ozone bảo vệ sự sống trên Trái Đất.

Trong thông điệp nhân ngày này, ông Ban Ki-moon khẳng định thế giới đã thực hiện thành công Nghị định thư Montréal về các chất phá hủy tầng ozone, trong đó gần 100 chất đã được loại bỏ dần trong hơn 24 năm qua cũng như đã điều chỉnh kịp thời vào năm 2007 để loại bỏ dần chất HCFC (hydrochlorofluorocarbons) phá hủy tầng ozone. Song thay vào đó, số lượng chất HFC (hydrofluorocarbons) được sử dụng để thay thế HCFC, tuy không phá hủy tầng ozone nhưng gây hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất nóng lên, lại đang tăng mạnh.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định chỉ có hạn chế biến đổi khí hậu toàn cầu, thế giới mới có thể đạt được phát triển bền vững.

Các nước tham gia Nghị định thư Montréal đang xem xét để đưa HFC vào khuôn khổ Nghị định thư nhằm tăng cường hiệu lực Công ước khung của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto về giảm chất thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nếu không có Nghị định thư Montréal, lượng chất phá hủy tầng ozone trong khí quyền Trái Đất có thể tăng gấp 10 lần vào năm 2050, gây thêm 20 triệu ca bệnh ung thư da và 130 triệu ca bệnh đục thủy tinh thể.

Cũng nhân Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozone, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cũng đã công bố nghiên cứu chung về hiện trạng tầng ozone, tác động của phá hủy tầng ozone đến biến đổi khí hậu và tác động tiềm tàng đến cộng đồng toàn cầu.

Nghiên cứu cho thấy nhiều chất phá hủy tầng ozone cũng có tác dụng làm Trái Đất nóng lên và vì vậy, Nghị định thư Montréal về loại bỏ chất phá hủy tầng ozone cũng có tác động tích cực giúp làm giảm hiệu ứng nhà kính.

Nỗ lực bảo vệ tầng ozone còn đem lại lợi ích đa dạng cho các ngành kinh tế và cả nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục