"Chất lượng sống chưa xứng với tăng trưởng kinh tế"

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn cho rằng, chất lượng đời sống của nhân dân còn chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Chiều 5/8, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011.

Các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá cao những cố gắng và kết quả đạt được trong thực hiện Kế hoạch 6 tháng đầu năm 2011; tính đúng đắn trong việc xác định mục tiêu ưu tiên hàng đầu của năm là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Các đại biểu ghi nhận quyết tâm cao cùng với việc tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội, tạo nên những chuyển biến tích cực trong tình hình kinh tế-xã hội những tháng gần đây. Tuy nhiên, nhiều đại biểu còn băn khoăn cho rằng, chất lượng đời sống của nhân dân còn chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể hóa nhanh các chính sách để giảm lạm phát

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) nhận định, vấn đề lớn đang tác động rất nhiều mặt đến đời sống, sản xuất, lòng tin của nhân dân là lạm phát cao. Vấn đề lạm phát cao đang bị tác động rất nhiều chiều và phức tạp của kinh tế thế giới và nội tình kinh tế Việt Nam. Hàng loạt các nước trên thế giới đang lâm vào tình trạng lạm phát cao, vỡ nợ lan đi rất nhanh ở châu Âu, kinh tế Mỹ tăng trưởng giảm, Trung Quốc lạm phát cao, Nhật Bản tăng trưởng âm...

Những vấn đề trên cùng với sự yếu kém của kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm lạm phát cao hơn cùng kỳ nhưng tăng trưởng lại thấp hơn đã là yếu tố rất lớn sẽ tác động trực tiếp trong năm nay và năm sau. Những mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ và tài chính đang làm cho sản xuất co lại, người lao động mất việc làm nên đời sống nhân dân càng khó khăn.

Thêm vào đó, tính thời vụ trong lạm phát thường diễn ra vào quý tư, thiên tai thường vào quý ba, hai vấn đề này sẽ diễn ra trong hai quý còn lại sẽ tiếp tục tác động vào hai chỉ tiêu lớn của chúng ta là tăng trưởng và lạm phát. Hai chỉ tiêu này khó có thể phấn đấu thực hiện được nếu như những giải pháp tiếp theo thiếu hiệu quả.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) và nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp thiết thực để kiểm soát lạm phát, cụ thể hóa nhanh những chính sách, những biện pháp đã có, kể cả khắc phục những tồn tại cũng như những biện pháp mới của 6 tháng cuối năm. Cần tập trung vào việc sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn 13% còn lại của mức tăng tín dụng, thực hiện hiệu quả việc giảm lãi suất, nhất là lãi suất đầu vào để cứu sản xuất.

Nhà nước cần chú ý quản lý điều chỉnh giá theo cung bậc thị trường một cách linh hoạt hơn, quản lý chặt chẽ giá thị trường tự do. Tất cả những vấn đề thuộc về công tác điều hành được giải quyết tốt sẽ hỗ trợ cho sản xuất, đời sống tốt. Cần có hệ thống giải pháp hiệu quả để xử lý mặt trái của chính sách tiền tệ, bởi khi thắt chặt tiền tệ và tài chính sẽ làm cho sản xuất đình trệ, việc làm mất đi, lạm phát càng cao thì đình trệ càng lớn...

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng giải pháp kiềm chế lạm phát thông qua bình ổn giá là đúng đắn, kịp thời nhưng chưa thiết thực bởi bình ổn giá chưa thực sự đến với người nông dân và vùng nông thôn. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm có chủ trương sớm, với giải pháp bình ổn giá từ gốc. Đó là bình ổn giá đầu vào hỗ trợ cho người nông dân về con giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón... Nếu thực hiện được sẽ giúp nông dân sản xuất ra hàng hóa với mức giá thấp, bán ra giá thấp và đây chính là biện pháp căn cơ để bình ổn giá.

Nguyên nhân lạm phát cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm phân tích. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng gói kích cầu không phải là tác nhân chính của lạm phát mà nguyên nhân chính là những khiếm khuyết trong cơ cấu nền kinh tế và mô hình tăng trưởng cộng với khả năng quản lý, điều hành còn yếu kém đã đẩy lạm phát ngày càng lên cao.

Theo đại biểu, việc nhận diện đúng nguyên nhân của lạm phát sẽ giúp chúng ta tập hợp trí lực, nhanh chóng cắt cơn lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nguyên nhân gốc gây ra tình trạng lạm phát là nhập siêu...

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng Chính phủ cần thực hiện các giải pháp chống lạm phát đồng bộ với cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, có chính sách hỗ trợ thỏa đáng, không để một loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ đổ vỡ, lao động thiếu việc làm sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế xã hội. Cần đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả, biến khó khăn thành cơ hội để vươn lên trong dài hạn bằng những giải pháp lâu dài và cơ bản, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chính sách về an sinh xã hội

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng Chính phủ đã rất quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội với nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp... Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập như trong chính sách hỗ trợ cho người nghèo và người dân tộc, cụ thể là chính sách hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo theo Quyết định 167 với mức đầu tư 18-20 triệu đồng/căn, trong khi đó, mức đầu tư xây dựng cho người dân tộc theo quyết định 134 chỉ có 6 triệu đồng/căn, từ đó sẽ dẫn đến sự so bì.

Bên cạnh đó, việc quy định các đối tượng nghèo được hỗ trợ phải là những người nghèo làm nông nghiệp, như vậy những người nghèo ở đô thị sẽ khó có thể tiếp cận được chính sách này. Đại biểu đề nghị Chính phủ kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chính sách về an sinh xã hội, để giải quyết các bất cập nêu trên.

Theo đại biểu Bé, chính sách tiền lương luôn luôn đến chậm so với giá đã làm cho người lao động khi được thụ hưởng mức lương mới thì giá cả đã tăng rất cao. Chính vì vậy, đời sống người dân nghèo, người thu nhập thấp luôn mãi song hành với điệp khúc lo toan về cơm, áo, gạo tiền.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp để sớm ổn định giá, cải cách thủ tục để người dân được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người nghèo mà thời gian qua Chính phủ đã ban hành.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) kiến nghị Chính phủ duy trì quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp, xác định đây là một chiến lược kinh tế bảo đảm an ninh lương thực nhằm tăng năng suất lao động và bảo đảm đời sống cho người nông dân; ban hành chế tài cụ thể, chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm quỹ đất nông nghiệp đồng thời tăng đầu tư cho giao thông, thủy lợi, kết cấu hạ tầng nông thôn.

Về bảo đảm an sinh xã hội trong nhóm giải pháp thứ 5, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao hơn, quan tâm nhiều hơn đến người lao động nói chung, người lao động các khu công nghiệp nói riêng. Cần buộc người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế đối với người lao động. Bên cạnh đó, cần đầu tư mạnh mẽ hơn, đồng thời quy hoạch khu vui chơi giải trí lành mạnh để hạn chế tệ nạn xã hội.

“Cần có những giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn vay, tích cực kiểm soát lạm phát hữu hiệu hơn để giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất” là đề nghị của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang).

Từ kinh nghiệm nhiều nước là xây dựng các tổ chức tài chính chuyên biệt để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm thành lập quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nhằm tạo động lực và cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, đồng thời nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ đồng bộ khác trên tất cả các phương diện như nâng cao năng lực quản trị, điều hành; định hướng thị trường, xúc tiến thương mại; đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính; tăng cường công tác truyền thông…

Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ ưu tiên tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, trước hết là các công trình phục vụ dân sinh đang thi công dở dang, công trình sắp hoàn thành đưa vào sử dụng không chỉ trong năm 2011 mà trong cả những năm tiếp theo.

Kiên trì thực hiện các nhóm giải pháp của Chính phủ

Đa số đại biểu đồng tình với 8 nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra trong điều kiện tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều những khó khăn và thách thức. Các đại biểu cho rằng, mặc dù việc thắt chặt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã gây một số khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng những giải pháp mà Chính phủ đề ra là hoàn toàn đúng đắn, cần tiếp tục kiên trì thực hiện.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình): trong bối cảnh tăng trưởng GDP có xu hướng chậm lại, tình trạng lạm phát có xu hướng gia tăng, giá trị đồng tiền Việt Nam giảm, lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao; giá vàng, giá USD tăng, hàng loạt hàng hóa như điện, xăng, dầu và các mặt hàng thiết yếu tăng giá làm đời sống nhân dân, đặc biệt là nông dân và những đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước gặp khó khăn. Theo đại biểu, đa số cử tri cho rằng, chất lượng đời sống của nhân dân chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cử tri cũng nhận định, việc Chính phủ điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng chủ đạo là cần thiết nhưng trong tình hình như hiện nay là chưa phù hợp.

Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách toàn diện, có chính sách thúc đẩy nông nghiệp theo hướng bền vững, có chủ trương hỗ trợ, bảo vệ người nông dân và nền nông nghiệp nước nhà trước những tác động tiêu cực của thị trường hàng hóa nước ngoài vì nông dân đang là đối tượng chịu tác động lớn nhất của lạm phát. Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh chính sách an sinh xã hội, các chương trình dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách đối với các đối tượng chính sách xã hội để người dân có cuộc sống tốt hơn.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đồng tình với 8 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, đồng thời đề nghị bổ sung thêm giải pháp thứ 9 là gói kích cầu. Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng vì thu ngân sách đạt cao nhưng chất lượng cuộc sống người dân lại đi xuống. Hàng loạt các vấn đề như giá cả tăng, lãi suất ngân hàng quá cao, doanh nghiệp và người dân không tiếp cận được vốn vay, nếu có cũng không đủ trả lãi... đang gây bức xúc trong đời sống xã hội.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị làm rõ nguyên nhân một số nhóm giải pháp trong Nghị quyết 11 của Chính phủ chưa thu được kết quả như mong muốn./.

Thanh Hòa-Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục