Phân loại rác tại nguồn nhằm tách các chất thải có giá trị tái chế cao ngay tại nguồn thải, đặc biệt là thành phần hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học chiếm tỷ lệ cao từ 60-80%, tạo nguồn hữu cơ “sạch” để chế biến phân hữu cơ có chất lượng cao.
Phân loại chất thải tại nguồn còn góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp khi khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng, diện tích cho chôn lấp bị hạn chế.
Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn có vai trò quyết định và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống quản lý chất thải rắn. Tuy nhiên, chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam hầu hết chưa được phân loại tại nguồn. Các chương trình phân loại tại các địa phương mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa.
Kết quả không bền vững
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam hiện nay cũng tương tự như Hàn Quốc, Nhật Bản trước đây, việc phân loại rác tại nguồn gần như ở con số không. Các giải pháp mang tính phong trào còn ít và chưa đủ mạnh để thay đổi tình thế.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành phố Hồ Chí Minh đã thí điểm phân loại rác tại nguồn từ những năm 1999, bắt đầu từ một cụm dân cư hoặc một phường trong quận, giai đoạn 2015-2016 nhân rộng trên địa bàn 6 quận và sau đó nhân rộng tại 24 quận/huyện từ năm 2017 đến nay.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù Ủy ban Nhân dân Thành phố đã đưa ra nhiều quyết định để tổ chức phân loại rác tại nguồn nhưng công tác này chưa được triển khai đồng bộ và chưa được quan tâm đúng mức do các hộ gia đình, chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại. Công tác tuyên truyền và triển khai giữa các địa phương chưa đồng bộ nên hiệu quả phân loại chưa cao.
Thành phố đang tập trung tuyên truyền, vận động là chính, chưa kiểm tra, xử phạt theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đối với hành vi không phân loại chất thải rắn tại nguồn. Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chưa tổ chức phương án thu gom riêng chất thải sau phân loại.
Tại Bắc Ninh, năm 2014, tỉnh đã triển khai thí điểm 2 mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh và xã Cao Đức, huyện Gia Bình. Năm 2018, tỉnh triển khai thí điểm tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài và xã Liên Bảo, huyện Tiên Du.
Mặc dù các mô hình thí điểm đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn tồn tại bất cập như một số hộ gia đình chưa thực hiện tốt phân loại chất thải rắn tại nguồn, giữ thói quen vứt chất thải tùy tiện hoặc sử dụng các thùng phân loại chất thải rắn sinh hoạt được phát vào mục đích khác. Chất thải rắn sau khi phân loại không được thu gom, vận chuyển riêng mà thu gom, vận chuyển chung một phương tiện nên hiệu quả chưa cao.
[Gia tăng chất thải rắn sinh hoạt gây áp lực lớn đến môi trường]
Thành phố Hà Nội cũng thí điểm mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn từ năm 2007 trên địa bàn phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm; đồng thời, đưa khái niệm mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải vào chương trình giáo dục tiểu học năm học 2007-2008 và nhân rộng mô hình sang các khu vực phường Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ nhưng kết quả là việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt ở Hà Nội không được duy trì.
Tại khu vực nội thành Hà Nội, hầu hết lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày đã được thu gom nhưng tình trạng đổ chất thải tùy tiện vừa mất mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra ở không ít khu vực công cộng.
Các chiến dịch phát động về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa nhận được sự hưởng ứng đồng bộ của chính quyền, đơn vị thu gom chất thải rắn, cộng đồng dân cư nên hiệu quả không được như mong muốn.
Hiện, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn chủ yếu được tiến hành tại hộ gia đình đối với một số loại chất thải như giấy, bìa cáctông, kim loại được thu gom để bán; chất thải thực phẩm cho chăn nuôi được thực hiện để đáp ứng chỉ tiêu môi trường trong xây dựng nông thôn mới, còn các thành phần khác hầu hết không được phân loại mà để lẫn. Việc phân loại mang tính riêng lẻ, không đồng bộ, hiệu quả chưa cao...
Ngoài ra, ở các địa phương chưa có nhiều chiến dịch phát động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Đặc biệt, khu vực miền núi thiếu quy hoạch các bãi tập kết chất thải tập trung, không quy định chỗ tập trung chất thải rắn, thiếu người và phương tiện chuyên chở đã hình thành bãi rác tự phát, làm cho tình trạng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trở thành vấn đề nan giải khó quản lý.
Đánh giá của Bộ Xây dựng, năm 2017, tại các địa phương như Hà Tĩnh, Đồng Nai đã thí điểm thực hiện 11/11 huyện, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện là 20.132 hộ, số hộ thực hiện đúng quy trình chiếm 58,8%, tiến tới nhân rộng đối tượng thực hiện từ trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung, khu công nghiệp, cơ quan hành chính… nhưng hầu hết các địa phương đều chưa thực hiện do thiếu nguồn lực đồng bộ từ thu gom, vận chuyển và xử lý từng loại chất thải đã phân loại.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, người dân chưa nhận thức được lợi ích kinh tế của việc phân loại, thu gom và tái chế chất thải rắn nên tỷ lệ thu gom so với lượng phát sinh còn thấp. Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải.
Nỗ lực tìm kiếm giải pháp
Thành phố Hồ Chí Minh thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, tương đương với tỷ lệ gần 1kg/người, mức tăng khoảng 6-10%/năm, việc tăng nhanh chóng chất thải rắn sinh hoạt đô thị với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý.
Cuối năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 44 quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn với 3 nhóm gồm chất thải hữu cơ dễ phân hủy, chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại không bao gồm chất thải nguy hại.
Từ tháng Năm vừa qua, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải sẽ phân loại thành 2 nhóm gồm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Đồng thời, tùy điều kiện kinh tế-xã hội, công nghệ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ quy định cụ thể số lượng, thành phần nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế theo lộ trình để Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai.
Việc phân loại thành 2 nhóm giúp đơn vị thu gom, vận chuyển dễ thực hiện bởi phần rác tái chế, người dân có thể bán hoặc cho lực lượng thu gom, tạo thêm nguồn thu nhập và mang lại giá trị kinh tế, tạo nền tảng hình thành thị trường thu hồi-tái chế, tiến đến hình thành Trung tâm tái chế chất thải, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Công ty Môi trường Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường dự án “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn,” nhằm quản lý, thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải tái chế một cách hiệu quả, đồng thời giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất không phát thải.
Tại Hà Nội, theo tính toán, với tốc độ đô thị hóa hiện nay, Hà Nội tăng khoảng 5% khối lượng rác thải/năm. Với tỷ lệ thu gom đạt 100%, đến năm 2025, khối lượng rác cần xử lý ở Thủ đô khoảng 8.500 tấn/ngày.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên môi trường Đô thị Hà Nội đã thực hiện dự án "Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa tại Hà Nội" từ tháng 8/2020 nhằm thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, tùy tiện, nâng cao ý thức phân loại rác của người dân. Công ty đã triển khai 7 điểm đổi rác lấy quà tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trung, Đống Đa, Ba Đình.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND thực hiện chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2021, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với sản xuất và tiêu dùng bền vững… Kế hoạch đề cập đến việc quyết liệt triển khai các giải pháp hạn chế, tiến tới loại bỏ, nói không với đồ nhựa dùng một lần trong đời sống xã hội.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng thực hiện đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025,” qua đó xây dựng, hình thành mạng lưới truyền thông cấp cơ sở và các phong trào rộng khắp theo cách tiếp cận tổng hợp, dựa trên cơ sở phối hợp hiệu quả với các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội-nghề nghiệp như hội Nông dân, hội Nghề cá, hiệp hội Du lịch, hội Môi trường./.