Chất thị dân và nghệ sỹ ở Lê Thiết Cương qua “Thơ Gốm”

Ở Lê Thiết Cương vừa có sự thức thời, nồng nhiệt và cả chút láu cá của một gã trai phố cổ; lại vừa có sự lãng đãng, mộng mơ, đầy nhiệt huyết sáng tạo của một nghệ sỹ Hà thành.
Chất thị dân và nghệ sỹ ở Lê Thiết Cương qua “Thơ Gốm” ảnh 1Dự án "Thơ Gốm" ra mắt sau 12 năm chuẩn bị, thực hiện của họa sỹ Lê Thiết Cương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Đối với một họa sỹ chuyên nghiệp, việc vẽ một bức tranh là điều không hề khó; nhưng để có một tác phẩm thực sự, thể hiện được trọn vẹn ý tưởng, cảm xúc của mình thì lại không hề đơn giản,” họa sỹ Lê Thiết Cương nói.

“Khác người, lạ đời”

Cũng bởi sự “khó tính,” đôi khi đến cực đoan trong cách làm nghề của gã họa sỹ vừa tài vừa “dị” ấy mà khi nói về anh, đồng nghiệp và công chúng yêu hội họa không nhắc đến số lượng tranh anh vẽ.

Thay vào đó là một phong cách, cá tính sáng tạo và niềm yêu thích với sự “xê dịch” qua nhiều lĩnh vực, để làm mới mình bằng những thứ “khác người, lạ đời.” Mỗi tác phẩm phải là độc bản.

Triển lãm “Thơ Gốm” (đang diễn ra tại Gallery 39, số 39A Lý Quốc Sư, Hà Nội) của anh cũng không nằm ngoài nguồn mạch chung ấy. Lê Thiết Cương đã viết và vẽ minh họa “những câu thơ hay” (của 40 thi sỹ: Hoàng Trung Thông, Lưu Quang Vũ, Đoàn Ngọc Thu, Thuận Hữu, Vi Thùy Linh…) trên 40 chiếc bình gốm Bát Tràng và giới thiệu tới công chúng tại triển lãm lần này.

“Những câu thơ hay” trong cảm nhận của Lê Thiết Cương là những câu thơ mang vẻ đẹp của sự tự nhiên, không “đánh bóng, dùng kỹ xảo làm màu chữ nghĩa” mà vẫn có sự liên tưởng bay bổng, trữ tình như “Tôi có khóc đâu mà gió ướt” (Thanh Tùng) hay “Khép cửa đón anh vào đi/ Bão giông ở lại phía sau rồi” (Đoàn Ngọc Thu)…

Chất thị dân và nghệ sỹ ở Lê Thiết Cương qua “Thơ Gốm” ảnh 2Tác phẩm minh họa thơ Đoàn Ngọc Thu. (Ảnh: Gallery 39)

“Tôi thích vẻ đẹp của sự phi lý, không thực; cho nên, những câu thơ tôi chọn cũng có vẻ đẹp ấy. Tôi đặc biệt thích những bức tranh mà vẽ như không vẽ, những câu thơ không ‘làm’ chữ. Có những câu thơ rất hay nhưng tôi không thể cảm, để chuyển được chúng sang ngôn ngữ của hội họa… và thế là cũng đành tạm gác lại,” họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ.


“Nghề chơi cũng lắm công phu”

Có thể nói, lối vẽ tối giản của anh hợp với gốm. Với dự án này, anh tự tay thiết kế mẫu lọ gốm. Kiểu dáng lọ gốm không cầu kỳ để làm nổi bật được thơ và họa.

“Nếu cắt nghĩa việc minh họa thơ nói chung và minh họa thơ trên gốm nói riêng là vẽ lại câu thơ ấy thì sẽ làm rẻ đi cả thơ lẫn họa, bởi lẽ, vốn dĩ, cả hai loại hình đó đều không cần sống tầm gửi vào nhau,” nghệ sỹ bày tỏ.

Bởi thế, Lê Thiết Cương không minh họa thơ theo nghĩa đen của từ này mà chuyển ngữ những vần thơ ấy sang một ngữ khác - “ngữ hội họa” (theo cách gọi của chính họa sỹ); tức là để thơ có hình khối, đường nét, màu sắc với độ đậm-nhạt khác nhau…

Ở 40 tác phẩm gốm giới thiệu với công chúng lần này, anh đã vẽ bằng sự rung động và những liên tưởng mà câu thơ gợi ra theo cách vẽ lam dưới men.

Nếu viết thơ lên gốm chỉ đơn thuần là việc chép cho đủ câu chữ lên bề mặt bình gốm thì mỗi tác phẩm ở đây sẽ không thể là độc bản. Việc khéo léo đặt chữ trong hình linh hoạt dựng chữ dọc theo hình đã xóa đi cảm giác, những nghi ngại về việc chép thơ lên gốm.

Lê Thiết Cương đã giúp cho thơ có thêm một đời sống khác, được ở trong một không gian dài rộng hơn và để độc giả có thêm một cách đọc, cách cảm khác về những câu thơ này. Họa sỹ đã dành 12 năm cho dự án nghệ thuật kỳ công về sự kết hợp thơ, họa và gốm này.

Chất thị dân và nghệ sỹ ở Lê Thiết Cương qua “Thơ Gốm” ảnh 3Để thơ có thêm một đời sống khác. (Ảnh: Gallery 39)

Trước khi “trình làng” dự án này, Lê Thiết Cương đã vẽ và gắn bó với gốm từ khoảng 30 năm trước. Anh cho rằng, những tác phẩm nghệ thuật gốm thực sự không nên ra lò theo kiểu sản xuất hàng loạt, giống hệt nhau mà đó nên là những sản phẩm thủ công, độc bản.

Sau khi Lê Thiết Cương trực tiếp thiết kế các mẫu bình gốm cho dự án “Thơ Gốm,” nghệ nhân làng gốm Bát Tràng đã vuốt tay tạo khuôn hình. Khi việc viết thơ và minh họa đã hoàn thành, những chiếc bình đó được đưa vào nung trong lò bầu đốt bằng củi theo cách làm gốm truyền thống (thay vì lò gas phổ biến như hiện nay).

Bởi thế, những tác phẩm với men gốm màu ngà ấy mang một vẻ đẹp truyền thống, đậm hồn Việt với những nốt, vết tàn nhang xuất hiện tự nhiên (dấu vết của đất và củi lửa trong lò nung), mỗi bình một kiểu, không hề có sự trùng lặp.

Từ “Thơ Gốm” nói riêng và những gì Lê Thiết Cương đã nói và làm trong suốt thời gian qua, có thể thấy, ở anh vừa có sự thức thời, nồng nhiệt và cả chút láu cá của một gã trai phố cổ; lại vừa có sự lãng đãng, mộng mơ, đầy nhiệt huyết sáng tạo của một nghệ sỹ Hà thành luôn sống hết mình với đời, với nghề.

Họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ về dự án nghệ thuật "Thơ Gốm"

Triển lãm “Thơ Gốm” kéo dài đến hết ngày 17/2 tại Gallery 39 (số 39A Lý Quốc Sư, Hà Nội).

Cùng với triển lãm, cuốn sách “Thơ Gốm” (giới thiệu các tác phẩm thuộc dự án nghệ thuật này của họa sỹ Lê Thiết Cương) cũng đã chính thức ra mắt. Sách do Nhà xuất bản Trẻ phát hành tháng 2/2017./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục