Châu Á chìm trong làn sóng bán tháo chứng khoán

Phiên 19/5, thị trường chứng khoán châu Á rơi xuống mức thấp nhất trong ba tháng qua, sau khi Đức siết chặt quy định tài chính.
Thị trường chứng khoán châu Á đã rơi xuống mức thấp nhất trong ba tháng qua tại phiên giao dịch ngày 19/5. Nguyên nhân được cho là giới đầu tư lo ngại sau khi Đức thông báo về kế hoạch siết chặt các quy định tài chính và châu Âu cắt giảm chi tiêu có thể sẽ kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) phiên này giảm hơn 2%, nâng mức giảm kể từ đầu tuần lên khoảng 4,3%.

Làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán châu Á diễn ra khi chỉ số Dow Jones ở thị trường chứng khoán Phố Wall đêm trước giảm 114,88 điểm (1,1%) xuống còn 10.510,95 điểm. Chỉ số này đã giảm điểm sau khi Đức thông báo kế hoạch ban hành lệnh cấm hoạt động mua bán khống các công cụ nợ của chính phủ Eurozone và cổ phiếu của các công ty tài chính lớn, trong bối cảnh các quan chức châu Âu đang tìm cách tăng cường giám sát các thị trường.

Động thái này, cùng với việc Mỹ siết chặt quản lý ngành tài chính, đã gây rối loạn trên các thị trường, bởi nó thúc đẩy giới đầu tư từ bỏ các tài sản có độ rủi ro cao.

Theo các nhà phân tích, việc Đức thiếu sự phối hợp với các nước khác, kể cả các nước thành viên Eurozone, trong việc quản lý ngành tài chính cho thấy các biện pháp này có thể đem lại kết quả ngược với mong đợi và gây rối loạn hơn là trấn an các thị trường vốn đang hoang mang về cuộc khủng nợ.

Bên cạnh đó, giới đầu tư chứng khoán cũng lo ngại rằng việc chính phủ một số nước châu Âu cắt giảm mạnh chi tiêu như một phần trong chương trình cứu trợ trị giá 1.000 tỷ USD sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu vừa mới thoát khỏi suy thoái.

Ngày 18/5, Hy Lạp đã nhận khoản cứu trợ cực kỳ cần thiết 14,5 tỷ euro từ Chương trình hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU), chỉ một ngày trước khi nước này phải thanh toán chín tỷ euro các trái phiếu đáo hạn.

Nhưng để nhận được gói cứu trợ từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Chính phủ Hy Lạp phải tiến hành tăng thuế và cắt giảm lương cũng như trợ cấp hưu trí. Trong khi đó, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng thông báo sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm chi tiêu công nhằm khôi phục lòng tin trên thị trường.

Tuy nhiên, những biện pháp như vậy cũng dấy lên những lo ngại về ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm còn do đồng euro suy yếu gây sức ép giảm giá lên cổ phiếu của các nhà xuất khẩu.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản phiên này đã rơi xuống mức thấp nhất trong 11 tuần, do đồng euro yếu gây sức ép lên giá cổ phiếu của các nhà xuất khẩu Nhật Bản. Chỉ số Nikkei giảm 55,80 điểm xuống 10.186,84 điểm - mức thấp nhất kể từ ngày 4/3 - thời điểm mà chỉ số này khớp ở mức 10.145,72 điểm.

Nhà phân tích kỹ thuật cao cấp của Công ty chứng khoán Mizuho Securities Yutaka Miura cho biết chỉ số Nikkei đang tăng giảm theo những biến động của đồng euro, đồng thời cho rằng chỉ số này có thể sẽ tìm được sự hỗ trợ ở ngưỡng 10.000 điểm.

Tuy nhiên, nhà phân tích thị trường của công ty Daiwa Securities Shinichiro Matsushita, lại tỏ ra không quá bi quan, cho rằng các cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Nhật Bản hiện rất rẻ, cho nên nhu cầu mua vào lúc giá rẻ sẽ hỗ trợ thị trường trong những ngày tới.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Sydney trượt xuống mức thấp kỷ lục trong chín tháng, với chỉ số S&P/ASX 200 giảm 83,6 điểm (1,87%) xuống 4.387,1 điểm, khi thị trường chịu sức ép từ những lo ngại về khủng hoảng nợ cũng như dự luật đánh thuế 40% đối với lợi nhuận trong ngành khai thác mỏ.

Cùng chung xu hướng mất điểm, tại Hongkong, chỉ số Hang Seng cũng giảm 365,96 điểm (1,83%) xuống 19.578,98 điểm. Trong khi tại Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite mất 6,98 điểm (0,27%) xuống chốt phiên ở mức 2.587,81 điểm.

Các thị trường chứng khoán Singapore, Ấn Độ và Indonesia đều giảm điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục