Châu Á-TBD cần đầu tư nhiều vào bảo vệ tài nguyên

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) vừa công bố công trình nghiên cứu chung có tiêu đề “Dấu chân sinh thái và đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên ở châu Á và Thái Bình Dương,” trong đó khuyến cáo các nước trong khu vực cần đầu tư nhiều hơn vào việc bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Thông cáo báo chí của ADB về công trình nghiên cứu nói trên cho rằng việc châu Á-Thái Bình Dương tiêu thụ quá nhiều tài nguyên đang đe dọa tương lai của các khu rừng, dòng sông và đại dương, cũng như sinh kế của nhiều người dân phụ thuộc vào các nguồn này.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) vừa công bố công trình nghiên cứu chung có tiêu đề “Dấu chân sinh thái và đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên ở châu Á và Thái Bình Dương,” trong đó khuyến cáo các nước trong khu vực cần đầu tư nhiều hơn vào việc bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Thông cáo báo chí ngày 5/6 của ADB về công trình nghiên cứu nói trên cho rằng việc châu Á-Thái Bình Dương tiêu thụ quá nhiều tài nguyên đang đe dọa tương lai của các khu rừng, dòng sông và đại dương, cũng như sinh kế của nhiều người dân phụ thuộc vào các nguồn này.

Công trình nghiên cứu chung giữa ADB và WWF đã tập trung vào cách bảo vệ các hệ sinh thái chủ chốt ở châu Á-Thái bình Bương, bao gồm các khu rừng nhiệt đới ở đảo Borneo, tài nguyên biển ở khu vực Tam giác san hô, môi trường sống đa dạng ở khu vực sông Me Kong và vùng núi phía Đông dãy Hymalaya.

Giám đốc phụ trách môi trường và các biện pháp bảo vệ của ADB, ông Nessim Ahmad cho biết các hệ sinh thái nói trên có ý nghĩa sống còn đối với tương lai châu Á-Thái Bình Dương, nên tất cả các nước trong khu vực cần nỗ lực hợp tác và hành động để đảm bảo phát triển bền vững và duy trì nguồn sống cho các thế hệ tương lai.

Theo công trình nghiên cứu, đến năm 2008, tính bình quân theo đầu người, các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại các khu vực sinh thái chủ chốt của châu Á-Thái Bình Dương đã bị giảm khoảng hai phần ba so với năm 1970.

Mặc dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, song đa dạng sinh học của châu Á-Thái Bình Dương đã giảm trong tất cả các loại hệ sinh thái, với mức giảm cao gấp hai lần mức trung bình toàn cầu.

Trong công trình nghiên cứu, ADB và WWF đã đưa ra Chỉ số hành tinh sống (Living Planet Index) để đánh giá những thay đổi về sức khỏe của các hệ sinh thái trong toàn khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Kết quả, chỉ số này của toàn cầu giảm khoảng 30% trong vòng 4 thập kỷ qua, trong khi chỉ số của khu vực giảm tới 64%.

Tổng Giám đốc WWF Jim Leape nhấn mạnh rằng quản lý nguồn vốn tự nhiên một cách bền vững và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái vì lợi ích phát triển kinh tế lâu dài đang là những thách thức không nhỏ đối với các nước ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tạo ra được cơ chế chung để bảo vệ các nguồn tài nguyên là một đòi hỏi cấp thiết của khu vực, trong đó có vấn đề đầu tư thích đáng và hiệu quả, bởi theo nghiên cứu cứ 1 USD đầu tư vào các nỗ lực bảo tồn sẽ tạo ra giá trị kinh tế-xã hội của các hệ sinh thái trên 100 USD.

Trong năm 2011, ADB đã hỗ trợ kỷ lục 7 tỷ USD cho 59 dự án tăng trưởng bền vững về mặt môi trường nhằm đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo ở châu Á-Thái Bình Dương.

Công trình nghiên cứu của ADB và WWF được công bố đúng “Ngày Môi trường Thế giới 5/6", và hai tuần trước khi các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự tham dự Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển bền vững tại Rio de Janeiro - Rio+20.

Rio+20 là cơ hội quan trọng để các nhà lãnh đạo toàn cầu thiết lập một hướng đi mới hướng tới một tương lai bền vững./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục