Châu Âu có quy định mới về cấm nhập khẩu càphê liên quan đến phá rừng

Doanh nghiệp EU chỉ được phép lưu thông trên thị trường các sản phẩm không sản xuất trên đất phá rừng, nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hàng năm thu được trên toàn EU.
Châu Âu có quy định mới về cấm nhập khẩu càphê liên quan đến phá rừng ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 9/6 tại London, Hiệp hội càphê Anh (BCA) tổ chức Hội thảo về quy định định mới của Nghị viện và Hội đồng châu Âu về chống phá rừng và tác động của quy định này đối với ngành càphê thế giới.

Hội thảo có sự tham dự của Tổng thư ký Liên đoàn càphê châu Âu Eileen Gordon Laity, đại diện Hiệp hội càphê của các nước sản xuất và tiêu thụ càphê, trong đó có Brazil, Columbia, Thụy Sỹ, Mỹ, Ethiopia, Indonesia.

Ông Nguyễn Cảnh Cường Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh, đại diện Việt Nam tham dự hội thảo.

Dưới sự chủ trì của Giám đốc điều hành BCA, Paul Rooke, hội thảo thảo luận về Quy định 2023/1115 ngày 31/5/2023 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu về lưu thông trên thị trường Liên minh châu Âu (EU) và xuất khẩu từ EU một số hàng hóa và sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng; những thách thức đối với các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu càphê cũng như các cơ hội từ các quy định mới.

Các đại biểu dự hội thảo cũng trao đổi về các giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của quy định mới trong khi đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn.

Theo Quy định 2023/1115, có hiệu lực sau 20 ngày kể từ ngày đăng Công báo EU (9/6/2023), các sản phẩm nông nghiệp chịu tác động bao gồm gia súc, ca cao, càphê, dầu cọ, cao su, đậu tương và gỗ, theo đó các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng này phải tập hợp và kê khai thông tin về nơi sản xuất, diện tích đất sử dụng cho sản xuất, cung cấp văn bản tuyên bố không phá rừng kèm theo hàng hóa trước khi xếp hàng lên tàu.

Châu Âu có quy định mới về cấm nhập khẩu càphê liên quan đến phá rừng ảnh 2Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh và các đại biểu. (Nguồn: Vietnam+)

Doanh nghiệp EU chỉ được phép lưu thông trên thị trường các sản phẩm không sản xuất trên đất phá rừng, nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hàng năm thu được trên toàn EU.

Tại hội thảo, đại diện các nước sản xuất càphê bày tỏ quan ngại Quy định 2023/1115 sẽ làm tăng chi phí cho người trồng càphê và gây khó khăn cho các hộ gia đình sản xuất nhỏ ở các nước đang phát triển.

Giám đốc thương mại, Liên đoàn càphê Columbia, Diego Robles, bày tỏ lo ngại người tiêu dùng châu Âu có thể quy kết tình trạng mất rừng là do nông dân phá rừng lấy đất trồng cây càphê và từ chối tiêu thụ càphê của những nước để mất rừng.

Tổng thư ký Liên đoàn càphê châu Âu, Eileen Gordon và  Tổng thư ký Hiệp hội thương mại càphê Thụy Sĩ, Michael von Luehrte, cảnh báo chuỗi cung ứng càphê sẽ bị ảnh hưởng và các doanh nghiệp thương mại nhỏ sẽ phải gánh thêm chi phí và đứng trước rủi ro bị phạt nếu không kịp tuân thủ các quy định mới.

Điều này khiến giá bán lẻ càphê đến tay người tiêu dùng tăng, gây khó cho cả nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn với lạm phát gia tăng.

Tuy nhiên, ông Nicko Debenham. Giám đốc Công ty tư vấn về các giải pháp phát triển bền vững (www.sustaiability-solutions.com) nhận định rủi ro bị phạt do vi phạm quy định là rất thấp bởi hầu hết các trang trại càphê và các doanh nghiệp thương mại càphê có thể đáp ứng được các yêu cầu về thu thập và khai báo dữ liệu cần thiết trên nền tảng công nghệ thông tin với chi phí hợp lý.

Châu Âu có quy định mới về cấm nhập khẩu càphê liên quan đến phá rừng ảnh 3Giám đốc điều hành Hiệp hội càphê Anh Paul Rooke. (Ảnh: Hải Vân/Vietnam+)

Phát biểu tại hội thảo, Tham tán Thương mại Nguyễn Cảnh Cường, khẳng định chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam về bảo vệ rừng và Chiến lược phát triển nông-lâm nghiệp bền vững.

Ngành càphê Việt Nam đã đạt đến trình độ  phát triển ổn định, không mở rộng thêm diện tích canh tác trong những năm gần đây, với một số vùng thậm chí còn thu hẹp diện tích trồng càphê hiệu quả kinh tế không cao.

Ông Nguyễn Cảnh Cường khuyến nghị chính phủ các nước tiêu thụ nhiều càphê khi ban hành các quy định hay yêu cầu mới, dù nhằm mục đích bảo vệ môi trường, cũng không nên làm tăng thêm chi phí cho người trồng càphê ở các nước đang phát triển, đồng thời cho rằng các nước phát triển cần tài trợ nhiều hơn cho các nước đang phát triển để tái tạo rừng và trồng rừng mới.

Trả lời phóng viên TTXVN tại Anh, Giám đốc điều hành BCA, Paul Rooke, cho biết, với việc quy định mới của EU sẽ được áp dụng cho toàn bộ chuỗi sản xuất, cung ứng càphê bắt đầu từ cuối năm 2024, các nhà sản xuất càphê không còn nhiều thời gian để chuẩn bị.

Vì vậy, hội thảo nhằm tìm hiểu những vấn đề của các nước sản xuất càphê, mức độ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mới của EU, đồng thời tìm kiếm giải pháp, đặc biệt trong việc đưa ra những hướng dẫn trong toàn ngành càphê, giúp các bên liên quan tuân thủ quy định mới trong khi đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn.

Ông Paul Rooke cho biết, trong khi EU đi đầu các quốc gia tiêu thụ càphê về chống phá rừng, trong vài tháng tới, Vương quốc Anh có thể sẽ ban hành các quy định về vấn đề này, song có lẽ sẽ tập trung vào yêu cầu đánh giá rủi ro và thẩm định thay vì yêu cầu xác định vị trí địa lý chính xác của khu vực sản xuất, và càphê có thể không phải là mặt hàng đầu tiên áp dụng các quy định này.

Ông Paul Rooke cho biết, theo quy định mới của EU, các nhà sản xuất càphê phải sử dụng ứng dụng Geolocation để xác định vị trí lô đất trồng càphê. Quan trọng hơn, thông tin này phải đi kèm với sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất, bao gồm các khâu khác nhau, từ bước làm sạch, phơi, sấy, cho tới khi đóng hàng và vận chuyển xuất khẩu.

Ông Paul Rooke chỉ ra rằng yêu cầu xác định vị trí địa lý của khu vực trồng càphê đặt ra thách thức lớn cho các nhà sản xuất bởi trong chuỗi sản xuất sẽ bao gồm nhiều nhà sản xuất với các sản phẩm xuất khác nhau, vì vậy không dễ để xác định sản phẩm của nhà sản xuất nào đến từ khu vực không có nguy cơ phá rừng, hoặc không xảy ra phá rừng.

Ông nhấn mạnh việc xác định vị trí địa lý phần lớn phụ thuộc vào công nghệ và ứng dụng Geolocation, theo đó các hình ảnh vệ tinh sẽ xác định đâu là khu vực trồng càphê.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, vệ tinh có thể không xác định được các diện tích trồng càphê, đặc biệt là càphê trồng dưới bóng râm. Điều này đòi hỏi các thông tin sẽ phải được xác minh trực tiếp bởi con người, vì vậy không dễ thực hiện.

Mặt khác, các công ty xuất khẩu càphê sang EU phải chứng minh đã thực hiện đánh giá rủi ro về phá rừng và trình các tài liệu chứng minh sản phẩm càphê không đến từ vùng có nguy cơ phá rừng, đặt ra một thách thức khác cho các nhà sản xuất và xuất khẩu càphê khi phải đảm bảo các thông tin phù hợp đi cùng với sản phẩm càphê phù hợp trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

[Xuất khẩu càphê của Việt Nam có thể đạt mức kỷ lục mới]

Đánh giá về cơ hội đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu càphê Việt Nam trước những yêu cầu mới, ông Paul Rooke cho rằng Việt Nam có lẽ đang ở vị trí thuận lợi khi ngành càphê đã đạt diện tích trồng ổn định và không mở rộng trồng mới, vì vậy quan ngại về phá rừng không lớn như một số nước đang tăng diện tích trồng càphê.

Châu Âu có quy định mới về cấm nhập khẩu càphê liên quan đến phá rừng ảnh 4(Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Giám đốc điều hành BCA cho rằng trong bối cảnh phá rừng trở thành mối quan tâm lớn của các nước tiêu thụ càphê không chỉ trong EU, mà còn bao gồm các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…, điều quan trọng là Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng trong việc đáp ứng yêu cầu của các quy định mới.

Điều này đòi tất cả các bên liên quan trong quá trình sản xuất, xuất khẩu càphê đều phải nắm vững các quy định mới và mỗi bên, từ người trồng, nhà chế biến, xuất khẩu cần hiểu rõ những việc cần làm để đáp ứng yêu cầu mới, đặc biệt liên quan tới các thủ tục, giấy tờ liên quan đến chống phá rừng.

Mặc dù đây là thách thức không nhỏ bởi đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên trong dây chuyền sản xuất và xuất khẩu, ông Paul Rooke nhận định với sự chuẩn bị sẵn sàng và đi đầu trong việc giải quyết thách thức này, Việt Nam, một trong những nhà cung cấp càphê lớn nhất cho cả thị trường EU và Anh, có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu bởi các nước nhập khẩu sẽ sẵn sàng mua sản phẩm từ quốc gia mà họ không phải lo ngại về việc không thể cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định.

Theo ông Rooke, để có thể đáp ứng yêu cầu mới, các doanh nghiệp xuất khẩu càphê Việt Nam cần đảm bảo cung cấp thông tin mà đối tác mua hàng yêu cầu, như vị trí địa lý vùng trồng của lô hàng càphê.

Điều này cần sự phối hợp của các bên liên quan, đảm bảo xây dựng một hệ thống đáp ứng yêu cầu này, chẳng hạn như một kho lưu trữ thông tin có thể truy cập để xác định một khu vực không có nguy cơ phá rừng và sau đó có thể xác minh được thông tin này, đồng thời đảm bảo khi càphê được đóng vào công-ten-nơ để xuất khẩu, tất cả thông tin về lô hàng đã có đầy đủ trong hệ thống để người mua có thể truy cập, thậm chí trước khi càphê đến bất kỳ khu vực nào ở EU.

Ông Rook nhận định các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng Việt Nam có khả năng thực hiện được yêu cầu này, giúp tạo ra lợi thế khác biệt nhờ giảm thiểu chi phí và giảm nguy cơ lô hàng bị chậm.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, do thời gian chuẩn bị tương đối ngắn, các nhà sản xuất, xuất khẩu và các bên liên quan trong chuỗi cung ứng của Việt Nam, từ khâu trồng cho tới khâu đóng hàng, vận chuyển, ngay từ bây giờ phải bắt đầu đặt câu hỏi về những việc cần làm và lên kế hoạch thực hiện.

Ông Rooke cho biết BCA sẽ làm việc với các hiệp hội khác để tuyên truyền về các yêu cầu theo quy định mới và đưa ra hướng dẫn thực hiện quy định cho các thành viên hiệp hội, phần lớn đang có những giao dịch với EU, nhấn mạnh việc đưa ra hướng dẫn luật hoàn chỉnh sẽ dễ dàng được EU chấp thuận.

Quy định 2023/1115 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu được ban hành nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng và làm suy thoái rừng đang rất nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu từ các hoạt động khai thác lâm nghiệp quá mức và lấy đất rừng làm đất trồng trọt.

Đây là một trong những tác nhân gây nên hiệu ứng khí nhà kính, làm Trái Đất nóng lên, ô nhiễm môi trường, tàn phá hệ sinh thái và các hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan.

Theo ước tính của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), 420 triệu ha rừng (tương đương diện tích EU) đã bị mất trên toàn thế giới từ năm 1990-2020.

EU đánh giá đến năm 2030, khoảng 248.000 ha rừng có thể mất thêm mỗi năm nếu các biện pháp can thiệp không được thực thi hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục