Đắc Lắk: Tập trung phát triển càphê chất lượng cao, bền vững

Đắk Lắk hướng vào phát triển càphê chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư vào chế biến sâu.
Ông Hà phát biểu tại Hội thảo 'Xây dựng chuỗi ngành hàng càphê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững,' ngày 12/3. (Ảnh: Vietnam+)
Ông Hà phát biểu tại Hội thảo 'Xây dựng chuỗi ngành hàng càphê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững,' ngày 12/3. (Ảnh: Vietnam+)

Việt Nam là nơi có sản lượng xuất khẩu càphê lớn trên thế giới, đứng thứ 2 sau Brazil. Những năm qua, thị trường xuất khẩu càphê của Việt Nam tăng đều và góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức để đưa càphê Việt Nam vươn tầm khi chúng ta chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô, chưa qua chế biến...

Bên lề Hội thảo “Xây dựng chuỗi ngành hàng càphê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững,” trong khuôn khổ Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã dành cho Báo Điện tử VietnamPus cuộc trao đổi về vấn đề này.

Càphê Việt chiếm hơn 15% thị phần xuất khẩu của thế giới

- Việt Nam hiện giữ vững vị thế thứ 2 thế giới về sản lượng và xuất khẩu càphê. Ông đánh giá thế nào về vị thế của ngành càphê trong nước?

Ông Nguyễn Tuấn Hà: Với bề dày phát triển, ngành càphê Việt Nam tự tin với tương lai không xa sẽ đạt được những thành quả nổi bật trong phát triển càphê chất lượng cao, càphê đặc sản gắn với tăng trưởng xanh và bền vững.

Hiện, càphê đang là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam với diện tích cả nước hơn 710 ngàn ha, sản lượng hơn 1,8 triệu tấn. Cây càphê được trồng tập trung chủ yếu ở vùng Tây Nguyên, chiếm 91% về diện tích và 93% sản lượng cả nước.

Theo đó, ngành hàng càphê đã tạo việc làm và thu nhập cho trên 600 nghìn hộ nông dân với trên 2 triệu lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và một số vùng trồng càphê khác.

Đắc Lắk: Tập trung phát triển càphê chất lượng cao, bền vững ảnh 1Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Vietnam+)

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu càphê đứng thứ 2 sau Brazil, song đứng thứ nhất về xuất khẩu càphê Robusta trên thế giới. Trong nhiều năm qua, càphê của Việt Nam đã xuất khẩu đi hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận trên 4 tỷ USD và chiếm hơn 15% thị phần xuất khẩu càphê thế giới.

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk được xem là thủ phủ càphê của Việt Nam với diện tích khoảng 213 ngàn ha (chiếm trên 30% diện tích cả nước), năng suất bình quân đạt 28 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 558 ngàn tấn càphê nhân. Theo đó, càphê trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của địa phương với giá trị xuất khẩu gần 900 triệu USD/năm, chiếm khoảng 55% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu càphê của cả nước.

Tập trung tăng năng suất, chất lượng

- Xin ông cho biết chủ trương phát triển càphê chất lượng cao Đắk Lắk?

Ông Nguyễn Tuấn Hà: Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ song trên thực tế, càphê Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu ở dạng thô chưa qua chế biến, do đó giá trị gia tăng không cao. Hơn nữa, việc sản xuất tập trung mới chỉ vào khai thác tối đa tiềm năng và năng suất mà chưa chú trọng nhiều vào phát triển xanh và bền vững.

[Đắk Lắk: Kiến tạo sự khác biệt đưa càphê Việt Nam chinh phục toàn cầu]

Càphê là một trong những thức uống tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, vì vậy chất lượng càphê là vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu. Việc phát triển càphê chất lượng cao gắn với phát triển xanh và bền vững được xem là hướng đi quan trọng, phù hợp để nâng tầm ngành hàng càphê Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để kích thích và khai thác tiêu dùng thị trường càphê trong và ngoài nước, nâng cao giá trị xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng càphê là người nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp.

Đắc Lắk: Tập trung phát triển càphê chất lượng cao, bền vững ảnh 2Diễn giả quốc tế chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo 'Xây dựng chuỗi ngành hàng càphê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.' (Ảnh: Vietnam+)

Với mục tiêu đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 787/QĐ-TTg (ngày 5/6/2017) đưa càphê vào danh mục sản phẩm thuộc Chương trình sản phẩm quốc gia và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và thực hiện các Đề án “Càphê Việt Nam chất lượng cao giai đoạn 2018-2020” và Đề án “Phát triển càphê Bền vững tới năm 2020 và Đề án “Càphê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030.”

Kết quả là trong thời gian qua, ngành càphê đã chọn tạo được một số giống càphê chất lượng cao, có tính chịu hạn, kháng sâu bệnh và xây dựng được các mô hình sản xuất càphê có chứng nhận, càphê cảnh quan, mô hình càphê tuần hoàn, ít phát thải khí nhà kính. Nhiều vùng sản xuất và doanh nghiệp đã ap dụng đồng bộ giải pháp khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, hoàn thiện công nghệ sơ chế-chế biến đồng thời xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và thương mại càphê Việt Nam chất lượng cao.

Nhìn lại dòng lịch sử, cây càphê đã được người Pháp trồng tại các tỉnh Tây Nguyên từ những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tại các đồn điền như Cada, Rossi, Chpi với diện tích khoảng vài trăm ha… Song thời điểm đó, năng suất chỉ khoảng 5-6 tạ/ha nhưng chất lượng và hương vị tự nhiên của càphê thơm ngon, đậm đà và được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới ưa chuộng.

Xác định cây càphê là thế mạnh của ngành kinh tế Đắk Lắk, quan điểm xuyên suốt của tỉnh là không tăng diện tích càphê và tập trung tái canh theo kế hoạch, thực hiện phát triển càphê theo hướng xanh bền vững ở cả ba khía cạnh kinh tế-xã hội-môi trường. Cụ thể, Đắk Lắk hướng vào phát triển càphê chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư vào hoạt động chế biến sâu. Bên cạnh đó, hoạt động tìm kiếm thị trường mới cũng được xem là định hướng quan trọng trong việc nâng cao giá trị ngành hàng càphê của tỉnh ở những giai đoạn tới.

- Để đạt được mục tiêu đề ra, Đắk Lắk có những giải pháp gì đề vượt qua những thách thức cả về chủ quan và khách quan?

Ông Nguyễn Tuấn Hà: Sản xuất càphê của Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng vẫn đang gặp nhiều thách thức, như những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, diện tích vùng trồng và sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Người nông dân khai thác đất quá mức và lạm dụng phân vô cơ, thậm chí chưa được xử lý triệt để chất thải, thiếu tính bền vững.

Trên thực tế, phần lớn sản xuất chưa phát triển theo hướng chuỗi giá trị, nhiều hợp tác xã được thành lập nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Về cơ sở chất, kết cấu hạ tầng sản xuất còn thiếu đồng bộ. Đặc biệt, nhiều cơ sở chế biến chưa đáp ứng được thực tế tiễn sản xuất, do đó sản phẩm chủ yếu là chế biến thô, chưa đi vào chế biến sâu để nâng cao được giá trị gia tăng cho ngành hàng càphê. 

Đây là thách thức rất lớn nhưng chúng ta cũng nên nhìn nhận như là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu càphê thay đổi cách nhìn về một nền nông nghiệp phát triển xanh và bền vững.

Với quan điểm “ít hơn nhưng được nhiều hơn” (less in more) hoặc “được nhiều hơn từ cái ít hơn” (more from less), tôi tin rằng cùng với xu hướng tiêu dùng càphê chất lượng cao, minh bạch trong bảo vệ môi trường sinh thái sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho ngành hàng càphê Đắk Lắk cũng như cả nước.

Kịp thời nắm bắt cơ hội này và có chiến lược phù hợp, ngành cà phê sẽ không phải tăng sản lượng mà vẫn có thể thu về giá trị thương mại cao hơn bằng cách tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chí xanh và bền vững theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, gắn với mô hình kinh tế nông nghiệp phù hợp. Cụ thể là nắm được lợi thế trên thị trường cũng như có thể chủ động định hình trong chuỗi giá trị ngành ngành hàng càphê trong giai đoạn tiếp theo.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục