Châu Âu đối mặt với hậu quả lâu dài của cuộc khủng hoảng năng lượng

Quan chức Shell cảnh báo việc cắt giảm đột ngột nguồn cung trong ngành công nghiệp vào thời điểm kinh tế khó khăn sẽ gây nhiều sức ép đối với các nền kinh tế cũng như hệ thống chính trị tại châu Âu.
Châu Âu đối mặt với hậu quả lâu dài của cuộc khủng hoảng năng lượng ảnh 1Trạm tiếp nhận của đường ống dẫn dầu Druzhba tại nhà máy lọc dầu Duna ở gần thị trấn Szazhalombatta, Hungary ngày 5/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/10, Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn năng lượng và hóa dầu Shell, ông Ben van Beurden cảnh báo châu Âu đối mặt với quá trình “hợp lý hóa công nghiệp” khó khăn do cuộc khủng hoảng năng lượng, tiềm ẩn rủi ro cho cả kinh tế và chính trị của khu vực.

Theo ông Van Beurden, ngành công nghiệp châu Âu chịu tác động lớn khi cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên trầm trọng.

Quan chức Shell nhấn mạnh châu Âu đã giảm tiêu thụ khí đốt “khá nhiều, khá hiệu quả” sau khi mất nguồn cung 120 triệu tấn khí đốt/năm từ Nga, song chủ yếu giảm tiêu thụ nhờ cắt giảm hoạt động công nghiệp.

Châu Âu đang nỗ lực để nhanh chóng tìm nguồn cung thay khí đốt của Nga trong khi sẽ cần lượng lớn khí đốt trong nhiều thập kỷ.

[Khủng hoảng năng lượng: Lộ trình gập ghềnh của EU khi mùa Đông cận kề]

Theo CEO Van Beurden, Lục địa Già có thể giảm tiêu thụ khí đốt bằng cách giảm nhu cầu sử dụng, tuy nhiên “việc hợp lý hóa công nghiệp” này sẽ đem lại những rủi ro trong dài hạn.

Ông cảnh báo việc cắt giảm đột ngột nguồn cung trong ngành công nghiệp vào thời điểm kinh tế nhìn chung đang khó khăn như hiện nay sẽ gây ra khá nhiều sức ép đối với các nền kinh tế cũng như nhiều sức ép đối với hệ thống chính trị tại châu Âu.

Cảnh báo trên được đưa ra tại buổi lễ ký thỏa thuận Shell tham gia dự án khí đốt lớn tại Qatar.

CEO Van Beurden đã ký thỏa thuận mua 9,3% cổ phần trong dự án North Field South của tập đoàn Qatar Energy.

Tập đoàn có trụ sở tại Anh là doanh nghiệp châu Âu thứ hai sau tập đoàn TotalEnergies (Pháp) có cổ phần trong North Field South.

Tổng cộng 25% cổ phần dự án dành cho các “đại gia” năng lượng nước ngoài.

Dự án này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực của Qatar nhằm tăng 50%sản lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lên khoảng 127 triệu tấn/năm trong 5 năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục