Tăng an ninh nội khối

Châu Âu tăng cường các biện pháp an ninh nội khối

Các Bộ trưởng Tư pháp EU thảo luận biện pháp tăng an ninh nội khối như bảo vệ hệ thống dữ liệu, chống làm giả đồng euro, vấn đề tị nạn.
Trong cuộc họp diễn ra hai ngày 7-8/10 tại Luxembourg, Bỉ, Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tập trung thảo luận về việc bảo vệ hệ thống dữ liệu, chống làm giả đồng euro, việc tự do đi lại của người dân, cuộc khủng hoảng tị nạn tại Syria và thảm họa lật tàu tại đảo Lampedusa, Italy.

[Phát hiện thêm 17 thi thể trong vụ lật tàu ở Italy]

Các Bộ trưởng Tư pháp đã thảo luận về những yếu tố quan trọng của quy định chung trong việc bảo vệ hệ thống dữ liệu được coi là nguyên tắc "một cửa" của EU. Nguyên tắc này giúp giảm chi phí, đồng thời vẫn bảo đảm cho các doanh nghiệp hoạt động trong các nước EU chỉ bị một cơ quan duy nhất kiểm soát.

Bên cạnh đó, các bộ trưởng cũng thông qua thỏa thuận với Hội đồng châu Âu nhằm bảo vệ đồng tiền chung châu Âu và một số đồng tiền khác khỏi nạn làm giả, đồng thời thúc đẩy an ninh của Liên minh tiền tệ châu Âu bằng cách tăng cường các biện pháp bảo vệ đồng tiền đang lưu thông, phối hợp liên chính phủ và hợp tác giữa lực lượng an ninh và tư pháp của các nước EU.

Hiện nay, đồng tiền chung euro đang được 330 triệu dân tại 17 quốc gia thành viên EU sử dụng. Vì vậy, việc làm giả đồng tiền này đang là vấn nạn tại châu Âu. Việc thống nhất các biện pháp hình sự ở cấp độ liên minh sẽ giúp chống nạn tiền giả. Quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đồng euro sẽ được bảo vệ, qua đó cá nhân và doanh nghiệp sẽ có thêm niềm tin vào tính xác thực của đồng tiền giấy và tiền xu euro.

Tại cuộc họp, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đề xuất thành lập Viện kiểm sát châu Âu và cải tổ Cơ quan hợp tác tư pháp châu Âu (Eurojust).

Trong ngày làm việc thứ hai, dưới sự điều hành của Bộ trưởng Nội vụ Litva Dailius Alfonsas Barakauskas, các Bộ trưởng Nội vụ sẽ thảo luận về những khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng tại Syria, tình trạng tị nạn tại nước này và các biện pháp của EU.

Theo Bộ trưởng Barakauskas, hiện có khoảng 2 triệu người xin tị nạn tại các nước láng giềng với Syria. Đây cũng là mối bận tâm lớn của EU.

Ngoài ra, các bộ trưởng cũng đề cập đến thảm họa lật tàu ở gần đảo Lampedusa, thuộc miền Nam Italy, khiến hơn 300 người tị nạn châu Phi thiệt mạng.

Tại cuộc họp, EC cũng sẽ trình bày vấn đề liên quan đến tự do đi lại của người dân trong khối, trên cơ sở những thông tin do các nước thành viên cung cấp.

Hội đồng châu Âu đang nghiên cứu một thỏa thuận chính trị về việc chuyển trụ sở của Tổ chức an ninh châu Âu (CEPOL) từ Anh tới một nước thành viên của EU.

Bảy nước đang đăng ký tiếp nhận trụ sở của CEPOL là Ireland, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italy, Hungary, Hà Lan và Phần Lan./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục