Châu Âu xác nhận mức nhiệt cao kỷ lục mới, lên tới 48,8 độ C

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của LHQ đã xác nhận nhiệt độ cao nhất ở châu Âu từ trước đến nay là 48,8 độ C, đo được ở Sicily ngày 11/8/2021, và kỷ lục này có thể sẽ bị phá vỡ trong mấy ngày tới.
Châu Âu xác nhận mức nhiệt cao kỷ lục mới, lên tới 48,8 độ C ảnh 1Người dân di chuyển trên đường phố dưới trời nắng nóng tại Rome, Italy, ngày 17/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/7, Liên hợp quốc  thông báo mức nhiệt 48,8 độ C ghi nhận trên đảo Sicily của Italy ngày 11/8/2021 là mức nhiệt cao kỷ lục mới ở châu Âu. Kỷ lục trước đó ở châu lục này là 48 độ C, đo được ở Athens (Hy Lạp) ngày 10/7/1977.

Trong một tuyên bố, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc nêu rõ cơ quan này đã xác nhận nhiệt độ cao nhất ở châu Âu từ trước đến nay là 48,8 độ C, đo được ở Sicily ngày 11/8/2021.

Tuy nhiên, theo WMO, kỷ lục này có thể bị phá vỡ trong những ngày tới trong bối cảnh nắng nóng tiếp tục gia tăng.

Thông thường nhiệt độ cao kỷ lục mới được công bố trên tạp chí có thẩm định. WMO chưa thực hiện bước này, song cho biết do nắng nóng cực đoan đang hoành hành ở châu Âu nên WMO đã thông báo xác nhận mức nhiệt cao kỷ lục mới ở châu lục này.

Theo WMO, cơ quan này sẽ xem xét khả năng các mức nhiệt cao mới được thiết lập trong bối cảnh nắng nóng gay gắt đang tấn công khu vực miền Nam nước Mỹ, Địa Trung Hải, Bắc Phi, Trung Đông và một số nước ở châu Á, trong đó có Trung Quốc. Giáo sư Khoa học Địa lý Randall Cerveny thuộc Đại học Arizona, kiêm báo cáo viên về thời tiết và khí hậu cực đoan của WMO, cho biết nếu có mức nhiệt cao kỷ lục mới nào trong đợt sóng nhiệt hiện nay, WMO sẽ nhanh chóng đưa ra đánh giá sơ bộ, sau đó bắt đầu đánh giá chi tiết.

Đây là một phần trong tiến trình xác minh kỹ lưỡng của WMO đối với các mức nhiệt trên thế giới.

[Nhiều khu vực trên thế giới đối mặt với nắng nóng khắc nghiệt]

Trong khi đó, giới chức y tế trên khắp thế giới, từ Bắc Mỹ đến châu Âu và châu Á, đã lên tiếng cảnh báo tình trạng nắng nóng, khuyến cáo người dân tránh ra ngoài trời và uống đủ nước.

Tại Hy Lạp, cháy rừng gần thủ đô Athens khiến lực lượng chức năng phải sơ tán 1.200 trẻ em đang tham gia hoạt động cắm trại gần khu nghỉ dưỡng bên bờ biển.

Theo truyền thông địa phương, một số ngôi nhà đã bị thiêu rụi. Tại thủ đô Rome của Italy, nhiệt độ trong ngày 17/7 đã gần chạm mức kỷ lục 39 độ C.

Trung Quốc cũng thông báo mức nhiệt cao kỷ lục vào giữa tháng 7 ở khu vực Tây Bắc nước này - nơi nhiệt độ lên tới 52,2 độ C ở làng Sanbao, thuộc Khu tự trị Tân Cương, cao hơn tới gần 2 độ C so với mức kỷ lục 50,6 độ C ghi nhận 6 năm trước.

Chính quyền 32/47 tỉnh của Nhật Bản đã cảnh báo nguy cơ say nắng do thời tiết nắng nóng. Truyền thông Nhật Bản cho biết ít nhất 60 người đang được điều trị do say nắng.

Trong khi đó, ở các bang miền Tây và miền Nam nước Mỹ, nơi thường ghi nhận nhiệt độ cao, hơn 80 triệu người dân đã được cảnh báo về các nguy cơ trong bối cảnh nắng nóng cực đoan đang lan rộng ở khu vực.

Nhiệt độ đo được ở Thung lũng Chết, bang California - một trong những khu vực nóng nhất trên thế giới, trong chiều 16/7 đã lên tới gần mức kỷ lục 52 độ C.

Thủ phủ Phoenix của bang Arizona lần đầu tiên ghi nhận mức nhiệt trên 43 độ C kéo dài liên tiếp trong 18 ngày, trong đó đầu giờ chiều 17/7, nhiệt độ tại đây lên tới 45 độ C.

Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh: "Thời tiết cực đoan đang tác động mạnh đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nền kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn cung cấp nước."

Điều này càng khẳng định tính cấp thiết của việc nhanh chóng cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục