Trang dailymaverick.co.za ngày đăng bài của Karen Allen, cố vấn nghiên cứu cấp cao thuộc Chương trình Các mối đe dọa mới nổi ở châu Phi của Viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi (ISS) cho thấy giống như ở Trung Đông, máy bay không người lái là một mối đe dọa mới do các nhóm vũ trang và những kẻ cực đoan bạo lực ở châu Phi gây ra.
Nội dung bài viết như sau:
Sự gia tăng của công nghệ máy bay không người lái trên khắp châu Phi đã mở rộng đáng kể các hoạt động nhân đạo, phát triển, kinh doanh và quân sự.
Thiết bị bay không người lái có nhiều công dụng tích cực.Tuy nhiên, nếu những thiết bị hiện đại này nằm trong tay các nhóm vũ trang phi nhà nước, chúng có thể gây ra mối đe dọa mà các chính phủ phải sẵn sàng đối phó.
Thị trường máy bay không người lái thương mại toàn cầu được dự báo sẽ đạt 43 tỷ USD vào năm 2024, với Rwanda, Ghana, Nam Phi và Kenya dự kiến sẽ là những thị trường lớn nhất ở châu Phi.
Những phân tích thường tập trung vào máy bay không người lái quân sự và các tác động đối với luật nhân đạo quốc tế, hoặc việc sử dụng máy bay không người lái cho mục đích thương mại và nhân đạo.
Tác động của các thực thể khác sử dụng máy bay không người lái - có thể là doanh nghiệp, những người có sở thích hoặc quân nổi dậy - hầu như không được quan tâm.
Khi khai thác những lợi ích của công nghệ chuyển đổi, các quốc gia châu Phi nên nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn và phát triển các chiến lược để theo dõi sự gia tăng nhanh chóng của máy bay không người lái.
Các nhóm vũ trang nhận nguồn cung cấp từ các quốc gia ủy nhiệm hoặc sử dụng máy bay không người lái làm vũ khí ở Iraq và Syria, và gần đây là ở Yemen và Libya, sẽ là tiếng chuông cảnh báo đối với các chính phủ châu Phi.
Tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, gần đây cũng nhấn mạnh nguy cơ máy bay không người lái trở thành một thiết bị nổ tự tạo mới như đã thấy ở Iraq, Syria, Afghanistan và Ukraine.
Máy bay không người lái đã trở thành một phần trong kho vũ khí của quân đội ở nhiều quốc gia châu Phi và được triển khai trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.
Mặc dù việc quân nổi dậy sử dụng máy bay không người lái thương mại để tấn công các tòa nhà của chính phủ hoặc quân đội ở châu Phi vẫn chưa xảy ra, nhưng đã có bằng chứng về việc các nhóm vũ trang sử dụng máy bay không người lái để giám sát và xác định mục tiêu chính xác.
Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, quân nổi dậy gần đây đã sử dụng hệ thống máy bay không người lái để xác định vị trí mục tiêu cho các cuộc tấn công.
Tháng Năm vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Mozambique Amade Miquidade đã nói trong một cuộc họp báo rằng quân nổi dậy đã triển khai máy bay không người lái để nhắm mục tiêu chính xác ở tỉnh Cabo Delgado.
Điều này phù hợp với các báo cáo chưa được xác minh của các công ty an ninh tư nhân trong khu vực rằng các phiến quân nổi dậy đã sử dụng máy bay không người lái nhỏ để giám sát.
Chuyên gia phân tích Jasmine Opperman cho biết nếu nhìn vào việc quân nổi dậy đang dễ dàng có được vũ khí và tiến hành các cuộc tấn công vào quân đội, chúng ta sẽ không bao giờ đánh giá thấp khả năng những đối tượng này đang sử dụng các khả năng công nghệ tiên tiến hơn bao gồm cả máy bay không người lái.
Thực tế là các máy bay không người lái có thể dễ dàng tiếp cận thương mại và giá cả ngày càng hợp lý hơn đã làm tăng mối đe dọa và đặt ra thách thức đối với những chính phủ ở châu Phi đang tìm cách khôi phục nền hòa bình trong nước và khu vực.
Nghiên cứu động lực của việc mua sắm máy bay không người lái ở Iraq và Syria, chuyên gia Don Rassler thuộc Trung tâm Chống Khủng bố ở West Point (Mỹ) cho rằng “chỉ là vấn đề thời gian trước khi máy bay không người lái được triển khai tích cực hơn trên khắp châu Phi.”
Các nghiên cứu của Rassler cho thấy cách thức những kẻ cực đoan mua máy bay không người lái tại các cửa hàng với số lượng lớn, vận chuyển chúng đến các khu vực xung đột và điều chỉnh công nghệ để biến các thiết bị này thành vũ khí.
Không rõ liệu quân nổi dậy ở châu Phi có sử dụng các mối liên hệ với các nhóm khủng bố để có được bí quyết công nghệ từ mạng lưới tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay không.
Nghiên cứu sơ bộ ở khu vực Sahel và Đông Phi cho thấy rất khó chứng minh các mối liên hệ trực tiếp. Mặc dù cần nhiều nghiên cứu thực nghiệm hơn, nhưng sự sẵn có của các máy bay không người lái tại các cửa hàng trên khắp châu Phi cho thấy sự đổi mới mang tính bản địa có điều kiện quan sát dễ dàng hơn so với sự chuyển giao công nghệ trực tiếp.
[Libya: LNA mua 6 máy bay không người lái do Trung Quốc chế tạo]
Chuyên gia Matt Herbert thuộc Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tập trung vào Libya và các công nghệ mới nổi, cho biết kinh nghiệm Trung Đông không nhất thiết có nghĩa là máy bay không người lái có thể được sử dụng theo cách tương tự ở châu Phi.
Theo chuyên gia này, “tiện ích chiến thuật của máy bay không người lái có thể bị hạn chế như một vũ khí; tuy nhiên, về mặt chiến lược, chúng có thể hữu ích cho việc thu thập thông tin tình báo rộng rãi hơn, hay các hình ảnh và tài liệu tuyên truyền, cũng như để nhắm mục tiêu chính xác.”
Điều này khớp với các báo cáo từ Somalia rằng al-Shabaab đã triển khai máy bay không người lái cho các mục đích giám sát và tuyên truyền.
Đại tá nghỉ hưu David Peddle, cựu quân nhân ở Nam Phi và Anh, cho rằng việc triển khai các phi đội máy bay không người lái ở châu Phi chỉ còn là “vấn đề thời gian” do chúng dễ dàng được mua sắm với giá tương đối thấp.
Lợi thế tâm lý của việc đe dọa triển khai các vũ khí như vậy có thể đem lại cho quân nổi dậy lợi thế hơn đối thủ và giúp họ mở rộng phạm vi kiểm soát.
Điều này áp dụng cả trên đất liền và trên biển, điển hình là vụ các nhóm vũ trang Al-Shabab đã sử dụng máy bay không người lái trong cuộc tấn công “thánh chiến” vào thị trấn cảng Palma ở Đông Bắc Mozambique hồi tháng Ba vừa qua.
Mặc dù ngày nay máy bay không người lái chủ yếu được sử dụng để giám sát, chúng vẫn là một công cụ mạnh mẽ. Timothy Walker, Giám đốc dự án hàng hải của Viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi (ISS), người đang điều tra việc mở rộng các hoạt động của cảnh sát biển trong khu vực, lập luận: “Đó không phải là một vụ không tặc hay một cuộc tấn công. Có thể đó chỉ là một cuộc xâm nhập để tăng hiệu quả hoạt động.”
Việc sử dụng máy bay không người lái ngày càng tăng ở châu Phi khiến các nhà hoạch định chính sách và những người hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo phải cân nhắc. Chẳng hạn, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc đang triển khai máy bay không người lái cho các mục đích lập bản đồ và ứng phó thảm họa trên khắp Mozambique.
Đầu tiên, lập bản đồ việc sử dụng máy bay không người lái của các nhóm bạo lực phi nhà nước trên khắp châu Phi có thể giúp đảm bảo rằng các chương trình viện trợ và hành lang nhân đạo không bị tổn hại. Điều này cũng sẽ cho phép các đối tác tư nhân hoặc công-tư như nhà máy lọc dầu và khí đốt, cảng và bến cảng, sân bay và căn cứ quân sự phát triển các biện pháp đối phó.
Trong khi các chính phủ châu Phi có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự gia tăng của máy bay không người lái thương mại, các hệ thống cảnh báo sớm có thể đánh dấu các lô hàng lớn máy bay không người lái được mua sắm và chuyển đến các khu vực xung đột. Hệ thống đăng ký tương tự như hệ thống đăng ký được sử dụng cho điện thoại di động có thể được xem xét cho các máy bay không người lái mua tại cửa hàng không cần giấy phép.
Ở cấp độ quốc tế, Diễn đàn chống khủng bố toàn cầu đã phát triển Bản ghi nhớ Berlin như một phần của sáng kiến chống lại các mối đe dọa từ các thiết bị không người lái. Bản ghi nhớ kêu gọi các quốc gia tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó yêu cầu “các biện pháp hiệu quả để thiết lập các biện pháp kiểm soát trong nước nhằm ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học và các phương tiện vận chuyển chúng.” Các phương thức vận chuyển giao hàng này bao gồm cả máy bay không người lái.
Các nhà hoạch định chính sách châu Phi nên đóng một vai trò tích cực trong việc định hình chính sách về máy bay không người lái trong tương lai ngoài việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ phát triển nông nghiệp.
Ngay cả khi được sử dụng để giám sát thay vì tấn công, máy bay không người lái có thể cung cấp cho quân nổi dậy một lợi thế chiến lược và hoạt động có thể đe dọa khả năng của lực lượng an ninh trong việc bảo vệ công dân và ổn định các khu vực xung đột./.