Chè Thái Nguyên vững vàng vươn tới mục tiêu 12 tấn mỗi hécta

Với mục tiêu đến năm 2015 đưa năng suất chè lên 12 tấn/ha, ngành chè Thái Nguyên đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển cây công nghiệp này.
Chè Thái Nguyên vững vàng vươn tới mục tiêu 12 tấn mỗi hécta ảnh 1Thu hoạch chè búp tươi tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Nếu như trước đây, thu nhập từ chè chỉ được coi là thu nhập phụ thì nay cây chè được tỉnh Thái Nguyên xác định là cây công nghiệp chủ lực, cây hàng hóa có lợi thế trong nền kinh tế thị trường.

Đề án “Nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015” là một trong những động lực quan trọng góp phần nâng cao vị thế của cây chè trên mảnh đất Thủ đô kháng chiến năm xưa.


Những kết quả ban đầu

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 19.100ha chè, trong đó, gần 17.300ha chè trong giai đoạn kinh doanh, năng suất đạt khoảng 111 tạ/ha, sản lượng trên 191.000 tấn búp tươi. 80% diện tích chè đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn theo hướng VietGAP; giá trị sản xuất chè đạt 91 triệu đồng/ha.

Có được kết quả này, ngay từ khi triển khai Đề án, tỉnh Thái Nguyên ban hành hàng loạt chính sách khuyến nông cho cây chè như thực hiện trợ giá giống chè cho diện tích trồng mới và trồng lại chè có năng suất cao, chất lượng tốt, mức trợ giá từ 30-100%. Các giống chè đều đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông thường xuyên có mặt tại các vùng chè. Lực lượng này giữ vai trò chủ lực trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, chuyển đổi giống, nâng cao giá trị sản xuất chè. Cách làm này giúp người dân yên tâm khi đầu tư cho cây chè.

Các nhà khoa học trên địa bàn tỉnh luôn sát cánh cùng nông dân đưa giống chè mới chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng như LDP1, Keo Am Tích, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên... vào nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao cho bà con.

Trong 3 năm triển khai đề án, tỉnh Thái Nguyên đã trồng mới được 1.354ha và trồng thay thế 2.557ha. Hầu hết, diện tích được trồng là giống chè chất lượng cao, được nhân giống bằng phương pháp giâm cành như giống chè LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên... Việc trồng lại chè được thực hiện đối với những diện tích chè trung du già cỗi. Cơ cấu giống chè cải thiện theo hướng giảm dần diện tích chè trung du, nâng diện tích chè giống mới.

Tại những vùng trồng chè, người dân đã biết xây dựng các vùng sản xuất chè theo hướng an toàn. Thái Nguyên hiện có 29 mô hình sản xuất chè VietGAP tại các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Định Hóa, Võ Nhai, Phổ Yên, Phú Lương và thành phố Thái Nguyên. Những mô hình này góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Mô hình cũng giúp sản phẩm chè búp khô không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, lượng tiêu thụ lớn hơn so với sản phẩm chè sản xuất theo quy trình thông thường. Hiện, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất chè được tỉnh Thái Nguyên quan tâm và nhân rộng trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 436 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên.

Hình thức tổ chức, sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Các hợp tác xã, làng nghề sản xuất, chế biến chè tăng cả về số lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh với 23 hợp tác xã sản xuất chè và 85 làng nghề sản xuất, chế biến chè được tỉnh cấp bằng công nhận...

Nỗ lực để về đích

Với mục tiêu đến năm 2015, Thái Nguyên sẽ đưa năng suất chè lên 12 tấn/ha và sản lượng đạt 200.000 tấn chè búp tươi, ngành chè Thái Nguyên tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi; nâng cấp, hiện đại hóa các nhà máy chế biến theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm chè; chế biến các sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất cũng được đẩy mạnh.

Đặc biệt, trong 2 năm cuối của Đề án, tỉnh Thái Nguyên tập trung thực hiện một số giải pháp chính như xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu an toàn đến năm 2020 gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ chè, trong đó, việc mở rộng diện tích chè đối với huyện Phú Bình, huyện Võ Nhai ưu tiên thực hiện. Người dân được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chè bằng nhiều hình thức. Chất lượng chè chế biến theo quy mô nông hộ được đảm bảo. Ngoài ra, việc phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề sản xuất chế biến tiêu thụ chè, gắn với các hoạt động văn hóa dân tộc, du lịch... được tính tới.

Các chính sách thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào chế biến, tiêu thụ chè Thái Nguyên được chú trọng. Địa phương khuyến khích liên doanh, liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm; liên kết các doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài để đẩy mạnh sản xuất, chế biến công nghiệp, tăng lượng xuất khẩu...

Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết với những kết quả đạt được trong 3 năm triển khai đề án, cùng với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự đồng lòng quyết tâm của người trồng chè, các chỉ tiêu trong đề án chắc chắn sẽ “cán đích” trước kế hoạch. Cây chè không còn là cây xóa đói giảm nghèo mà sẽ trở thành cây làm giàu của người nông dân Thái Nguyên trong tương lai không xa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục