Tình trạng chênh lệch giàu nghèo gia tăng có thể gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế và các mối quan hệ xã hội, đồng thời cũng có thể gây ra bất ổn về chính trị. Đây là lời cảnh báo của người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra ngày 25/2 vừa qua.
Trong bài diễn thuyết tại trường Đại học Stanford, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhấn mạnh sự chênh lệch về thu nhập gia tăng và sự khác biệt về kinh tế có thể có những ảnh hưởng nguy hại, và dẫn một nghiên cứu của IMF cho thấy khoảng cách giàu nghèo có thể dẫn đến tăng trưởng chậm và kém bền vững hơn. Theo bà Lagarde, trong những năm tới, tăng trưởng kinh tế không còn là điều duy nhất cần chú trọng nữa, và cần phải cân nhắc liệu tăng trưởng có phải là tất cả.
Tổng Giám đốc Lagarde cũng nhận định công nghệ có thể góp phần làm gia tăng sự khác biệt về thu nhập, và kêu gọi có các hệ thống giáo dục tốt hơn nhằm chuẩn bị cho con người thích nghi với một thế giới được liên kết chặt chẽ song đang thay đổi nhanh chóng.
Theo bà Lagarde, thế giới cần chú trọng chủ nghĩa đa phương nơi tất cả các quốc gia đều có trách nhiệm giải quyết các vấn đề toàn cầu, và đặt hy vọng vào các thể chế đa phương sẵn có như IMF.
Đây là lần thứ hai trong tháng này Tổng Giám đốc IMF đề cập tới tình trạng khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng trên thế giới, sau bài phát biểu trên kênh BBC. Những bài thuyết trình gần đây của bà Lagarde dường như đặt IMF vào chiến tuyến của những cuộc tranh luận lớn nhất thế giới về chênh lệch thu nhập, bất bình đẳng giới tính và biến đổi khí hậu. Những thách thức này cũng đã được nêu tại Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF), mới tổ chức trong tháng này.
WEF đã cảnh báo rằng sự chênh lệch khoảng cách giàu nghèo gia tăng là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới, trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan là yếu tố gây tác hại nghiêm trọng thứ hai./.