Trong một thông tin phát đi sáng 17/3, hãng bảo mật Kaspersky cho biết, chỉ có 19% ngân hàng quan tâm đến các cuộc tấn công vào máy ATM và các máy rút tiền dù tỷ lệ phần mềm độc hại nhằm vào cơ sở hạ tầng này của ngân hàng ngày càng cao (năm 2016 ghi nhận các mã độc ATM tăng 20% so với năm 2015).
Thông tin trên được trích ra từ nghiên cứu về nguy cơ bảo mật cho các tổ chức ngân hàng của Kaspersky và B2B International.
Theo Kaspersky, do phải gánh chịu nhiều cuộc tấn công vào cả cơ sở hạ tầng lẫn khách hàng của mình, các ngân hàng đang đầu tư vào anh ninh mạng gấp ba lần so với các tổ chức phi tài chính. 64% các ngân hàng thừa nhận họ sẽ đầu tư vào việc nâng cao bảo mật.
Mặc dù các ngân hàng đã đặt không ít nỗ lực và tiền của để chống lại các mối đe dọa mạng đã và chưa biết đến, nhưng việc bảo vệ cơ sở hạ tầng công nghệ hiện có cũng như từ ATM và các điểm giao dịch truyền thống đến chuyên dụng ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, 42% các ngân hàng dự đoán phần lớn khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ ngân hàng di động trong vòng ba năm tới, nhưng khách hàng lại quá bất cẩn trong các hành vi trực tuyến. Nhiều ngân hàng được khảo sát thừa nhận có tới 46% khách hàng của họ thường xuyên bị tấn công bởi lừa đảo, 70% ngân hàng báo cáo các sự cố về gian lận tài chính dẫn đến mất tiền.
Bên cạnh đó, 61% ngân hàng được hỏi cho biết việc nâng cao tính bảo mật của các ứng dụng và trang web mà khách hàng của họ sử dụng là một trong những ưu tiên bảo mật chính, theo sau là việc thực hiện xác thực phức tạp hơn và xác minh thông tin đăng nhập ở mức 52%.
(Mức độ ưu tiên của ngân hàng trong vấn đề bảo mật)
Ông Veniamin Levtsov, Phó Giám đốc bộ phận kinh doanh của Kaspersky Lab cho rằng, để đưa ra những phản hồi hiệu quả kịp thời, bảo vệ tất cả các điểm dễ bị xâm nhập, đòi hỏi ngành dịch vụ tài chính cần phải thiết lập sự bảo vệ tăng cường chống tấn công mục tiêu, xiết chặt bảo mật chống gian lận đa kênh cũng như nắm được các thông tin trong việc phát triển các mối đe dọa./.