Ngày 15/12, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết triển khai Luật Đất đai năm 2013, thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực trong việc thành lập, kiện toàn, hoàn thiện hệ thống Văn phòng Đăng ký Đất đai. Qua đó, cả nước đã có 61/63 tỉnh, thành phố thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp trực thuộc sở tài nguyên và môi trường.
Còn lại 2 địa phương chưa thành lập Văn phòng Đăng ký Đất đai một cấp trực thuộc sở Tài nguyên và Môi trường là Quảng Ninh và Phú Thọ.
Thông tin cụ thể tại Hội nghị Trực tiếp và Trực tuyến về Tổng kết Văn phòng Đăng ký Đất đai năm 2023, ngày 15/12, ông Phạm Ngô Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu Thông tin Đất đai thông tin cho hay tại 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Văn phòng Đăng ký Đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường hiện có 678 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai trên phạm vi 705 đơn vị hành chính cấp huyện.
Thí điểm ‘làm giàu, làm sạch’ dữ liệu đất đai bị vướng, khó triển khai rộng
Mặc dù kết quả thí điểm "làm giàu, làm sạch" dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tại Hà Nội và Hà Nam đã đạt tỷ lệ khoảng 80%, song vẫn khó triển khai sâu rộng.
Theo ông Hiếu, quá trình triển khai thực hiện trong thực tiễn cho thấy việc thành lập Văn phòng Đăng ký Đất đai đã giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai; thúc đẩy thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phát triển chính quyền điện tử; chủ động hơn trong việc điều phối nguồn nhân lực giữa các đơn vị trong Văn phòng Đăng ký Đất đai theo yêu cầu nhiệm vụ.
Đến nay, tại các địa phương thành lập Văn phòng Đăng ký Đất đai đã giảm được 16 thủ tục hành chính (từ 48 thủ tục xuống còn 32 thủ tục); thời gian thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận giảm từ 5-25 ngày so với trước đây; thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đảm bảo đạt 90-95%.
Cùng với đó, nguồn thu bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, phí, lệ phí do Văn phòng đăng ký đất đai trực tiếp thu hoặc chuyển cơ quan thuế, kho bạc Nhà nước để thu theo quy định cho ngân sách nhà nước cũng liên tục tăng.
“Như vậy, việc thành lập và đi vào hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký Đất đai có nhiều ưu điểm, là tổ chức dịch vụ công hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, đáp ứng việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận là nguồn lực to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước,” ông Hiếu chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý Văn phòng Đăng ký Đất đai trong quá trình hoạt động cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần phải khắc phục như pháp luật chưa có độ mở tạo tính linh hoạt, chủ động; nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư hoặc chưa có cơ chế tạo nguồn thu phù hợp, việc thu chủ yếu qua phí, lệ phí; nhiều khoản thu được miễn, giảm cho người sử dụng đất nhưng không có cơ chế bù đắp.
Trong khi đó, Văn phòng Đăng ký Đất đai phải hoạt động theo cơ chế tự chủ, cơ chế giá chưa được áp dụng rộng tại các tỉnh. Thực tế này đã dẫn đến khó khăn trong hoạt động, cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, thiết bị không đầy đủ, không có kinh phí bảo trì thường xuyên.
Ngoài ra, cơ sở dữ liệu địa chính cũng chưa hoàn thiện, đồng bộ, tích hợp, chia sẻ đầy đủ nên việc luân chuyển hồ sơ gặp nhiều khó khăn, hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai chưa đạt hiệu quả như mục tiêu.
“Đây là những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục từ góc độ thể chế đến việc thực thi, cũng như cần sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp để hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký Đất đai thực sự hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân kịp thời, chính xác,” ông Hiếu nhấn mạnh.
Bộ TN-MT khẳng định đã thể chế hóa đúng, đủ về chính sách đất đai
Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh để Văn phòng Đăng ký Đất đai hoạt động tốt, công tác quản lý Nhà nước cần phải đảm bảo rất nhiều nội dung được quy định trong Luật Đất đai 2013 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp gần nhất.
Do vậy, nhiệm vụ đặt ra theo ông Ngân, không chỉ là đánh giá ưu điểm, hạn chế của mô hình Văn phòng Đăng ký mà cần tập trung thảo luận về các phương án để hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện để hệ thống văn phòng xứng đáng với vai trò là đơn vị sự nghiệp đóng góp rất quan trọng vào công tác quản lý Nhà nước về đất đai.
Chia sẻ từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang cho rằng trong thực tiễn hoạt động của Văn phòng Đăng ký Đất đai tại địa phương có rất nhiều kết quả tích cực như: Đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ địa chính, từng bước tạo sự hài lòng của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng còn một số khó khăn, vướng mắc, nhất là cơ chế để tạo nguồn thu phù hợp để đảm bảo đời sống của công chức, viên chức, người lao động của văn phòng. Do đó, ông Giang đưa ra quan điểm các bên liên quan cần có đánh giá, tháo gỡ những vướng mắc để nâng cao hiệu quả của Văn phòng Đăng ký Đất đai./.