Chi tiêu quốc phòng của EU đạt mức kỷ lục trong năm 2022

Trong báo cáo thường niên công bố ngày 30/11, Cơ quan Quốc phòng châu Âu ghi nhận 6 nước thành viên EU tăng chi tiêu quân sự trên 10%, song không nêu rõ tên cụ thể của những nước này.

Lực lượng binh sỹ Đức. (Nguồn: DW)
Lực lượng binh sỹ Đức. (Nguồn: DW)

Chi tiêu quân sự của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2022 đã đạt mức kỷ lục 240 tỷ euro (khoảng 260 tỷ USD), tăng 6% so với mức chi tiêu của năm 2021.

Sự gia tăng này chủ yếu là do nhiều nước thành viên của EU gia tăng hoạt động mua sắm khí tài mới.

Trong báo cáo thường niên công bố ngày 30/11, Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA) ghi nhận 6 nước thành viên EU tăng chi tiêu quân sự trên 10%, song không nêu rõ tên cụ thể của những nước này.

Theo EDA, các khoản chi theo danh mục đầu tư quốc phòng trong năm 2022 đã tăng mạnh, với con số kỷ lục là 58 tỷ euro, trong đó, chủ yếu là để mua sắm khí tài mới.

Trong khi đó, chi tiêu cho công tác nghiên cứu và phát triển công nghệ lại giảm nhẹ.
Giải thích về việc đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực quốc phòng, ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, cho rằng các lực lượng vũ trang của khối cần phải sẵn sàng thích nghi trước thực tế mới, với những đòi hỏi mang tính thời đại.

Mặc dù vậy, ông Borrell - cũng là người đứng đầu EDA - cảnh báo sự chênh lệch về năng lực quốc phòng giữa các nước thành viên và vẫn chưa bắt kịp với một số nước khác trên thế giới.

Trong vài năm qua, các nước EU đã tăng cường cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. Đồng thời, nhiều công ty quốc phòng châu Âu đẩy mạnh hoạt động sản xuất vũ khí để đáp ứng nhu cầu mới.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Đức đang lên kế hoạch vượt chỉ tiêu chi tiêu quốc phòng tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2024, phù hợp với mục tiêu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đặt ra đối với các nước thành viên.

Phát biểu tại hội nghị an ninh ở Berlin ngày 30/11, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nêu rõ: "Mục tiêu (chi tiêu quốc phòng) sẽ được đáp ứng theo quyết định của quốc hội."

Đức đã nhiều lần cam kết tăng chi tiêu quốc phòng để phù hợp với mục tiêu của NATO. Tuy nhiên, phán quyết mới đây của Tòa án hiến pháp về các quy định nợ công nghiêm ngặt đang đặt nhiều câu hỏi đối với ngân sách quốc gia năm 2024.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Wales (Anh) năm 2014, các nhà lãnh đạo NATO quy định tất cả các thành viên phải đảm bảo dành 2% GDP cho quốc phòng.

Hiện Mỹ là quốc gia chi tiêu quốc phòng nhiều nhất trong NATO với 877 tỷ USD, tức là khoảng 3% GDP, tiếp theo là Vương quốc Anh và Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bức tượng Lê nin trong khuôn viên khu bảo tồn bảo tàng Gorki Leninskie. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)

155 năm ngày sinh V.I.Lenin: Ánh sáng không thể tắt

Phó Giám đốc bảo tàng Yakovlev nói, dù ở nước Nga hay ở các nước phương Tây, nếu nghiên cứu kỹ về cuộc đời và sự nghiệp của Lenin, thì không ai có thể phủ nhận tầm vóc vĩ đại của Người.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot . (Ảnh: REUTERS/TTXVN)

Đàm phán ba bên giữa Mỹ-Ukraine-EU tại Pháp

Ngày 17/4, Pháp đã tổ chức một cuộc họp ba bên về Ukraine, đánh dấu lần đầu tiên Mỹ, Ukraine và EU tiến hành đàm phán chung kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào cuối tháng 1 năm nay.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani tại Moskva. (Nguồn: Middle East)

Nga-Qatar mở rộng quỹ đầu tư chung lên 2 tỷ euro

Ngày 17/4, Nga và Qatar ký một thỏa thuận đầu tư chung, theo đó mỗi nước sẽ đóng góp thêm 1 tỷ euro vào một quỹ đầu tư chung, nâng tổng giá trị chương trình đầu tư lên khoảng 2 tỷ euro.